Ngữ Văn 12

Bài thơ Vội vàng- Xuân Diệu, nội dung nghệ thuật đầy đủ nhất

Bài thơ “Vội vàng” là tiếng nói con tim của một kẻ đang say mê trong tình yêu với những cung bậc cảm xúc khác nhau, bài thơ là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, quý trọng từng phút, từng giây của cuộc đời mình nhất là những năm tháng tuổi trẻ. Trong bài viết này hãy cùng HocThatGioi tìm hiểu về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm này nhé!

bài thơ vội vàng
Bài thơ “Vội vàng”

I. Bài thơ “Vội vàng”

Vội vàng

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt….
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi ?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

II. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả Xuân Diệu

  • Xuân Diệu (1916 – 1985) xuất thân trong một gia đình nhà nho
  • Ông là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam
  • Ông nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió.
  • Những bài được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936 – 1944, thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, ông được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”
  • Các tác phẩm tiêu biểu của ông: : Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945).
  • Ngoài ra ông còn viết văn xuôi và tiểu luận phê bình, nghiên cứu văn học.

*Phong cách sáng tác:

  • Xuân Diệu đã đem đến cho thơ ca đương đại một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo.
  • Ông là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết.

2. Tác phẩm Vội vàng

  • “Vội vàng” được trích từ tập Thơ thơ (1938) – tập thơ đầu tay của nhà thơ Xuân Diệu.
  • Là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.

3. Bố cục

Gồm 3 phần

  • Phần 1. Từ đầu đến “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

=>Tình yêu tha thiết với cuộc sống nơi trần thế

  • Phần 2. Tiếp theo cho đến “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

=> Quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu về thời gian

  • Phần 3. Còn lại

=>Khát vọng sống vội vàng, tận hưởng của nhà thơ.

4. Nhan đề “Vội vàng”

  • Nhan đề Vội vàng đã cho thấy một quan niệm sống mới mẻ của nhà thơ
  • Sống vội vàng không có nghĩa là sống gấp sống vội hay sống ích kỉ mà biết tận hưởng tất cả những giá trị tốt đẹp, tận hiến cho những giá trị cuộc sống nơi trần gian.
  • Đồng thời nhà thơ còn gián tiếp phê phán lối sống thờ ơ, lãng quên thực tại.

5. Nghệ thuật

  • Hình ảnh gần gũi, tươi mới và tràn đầy sức sống.
  • Ngôn từ giản dị, trong sáng và gần với lời nói hàng ngày.
  • Nhịp điệu vui tươi, cuống quýt và dồn dập.

III. Giá trị nội dung, nghệ thuật

1. Giá trị nội dung

  • Bài thơ là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng phút, từng giây của cuộc đời mình nhất là những năm tháng tuổi trẻ của một hồn thơ yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt

2. Giá trị nghệ thuật

  • Hình thức nghệ thuật điêu luyện: sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa mạch cảm xúc và mạch lí luận, gọng điệu say mê, sôi nổi, những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh thơ

Trên đây là bài viết HocThatGioi đã khái quát các ý chính mà các bạn cần nắm trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu. Nếu các bạn thấy hay hãy đồng hành cùng HocThatGioi trong các bài viết tiếp để biết thêm được nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé. Chúc các bạn học tốt!

Bài viết khác liên quan đến Lớp 12 – Ngữ Văn – Vội vàng
Back to top button
Close