3 bài văn mẫu nêu cảm nhận của em về bức tranh thu trong Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến hay nhất
Bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 11 Học kì I. Ở bài viết trước HocThatGioi đã tổng hợp cho các bạn cách lập dàn ý và phân tích bài thơ Câu cá mùa thu, hôm nay HocThatGioi sẽ tiếp tục chọn lọc thêm cho các bạn 3 bài văn mẫu nêu cảm nhận về bức tranh Thu trong bài thơ này. Cùng tham khảo ngay nhé!
Cảm nhận về bức tranh thu trong Câu cá mùa thu – mẫu 1
Mùa thu là một trong những đề tài lớn của thơ ca nhân loại. Nói tới đề tài này trong thơ ca Việt Nam chúng ta có thể kể tới rất nhiều tác giả với những sáng tác xếp vào hàng kiệt tác, trong số đó có Nguyễn Khuyến với chùm ba bài thơ thu. Mỗi bài trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến là một bức tranh thu đặc sắc, và Câu cá mùa thu được đánh giá là “điển hình hình cho thơ ca mùa thu của làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu).
Cảnh thu trong bài được đón nhận từ nhiều góc độ khác nhau: từ gần đến xa, từ thấp lên caọ, từ hẹp đến rộng… Dưới nhiều góc độ như vậy, cảnh sắc mùa thu được mở ra nhiều hướng thật sinh động và gợi cảm. Từ ao thu đến trời thu rồi đến đường thôn xóm… tất cả đều toát lên cái hồn thu, cảnh thu xiết bao thân thuộc của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Cái hồn ấy được gợi lên từ những khung cảnh, những cảnh vật hết sức thanh sơ: ao nhỏ trong veo, thuyền câu bé tí, sóng biếc gợn, lá vàng khẽ đưa, tảng mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co… sắc xanh của trời hoà lẫn cùng sắc xanh của nước tạo nên một không gian xanh trong, dịu nhẹ, một chút sắc vàng của lá rụng trên cái nền xanh ấy khiến cảnh thu, hồn thu càng thêm phần sống động. Những đường nét, màu sắc… gợi lên trong tướng tượng của người đọc khung cảnh của một buổi sớm thu yên bình trên một làng quê miền Bắc với bầu trời thu cao rộng, khoáng đạt, những ao chuôm trong vắt phản chiếu màu trời, màu lá, thôn xóm với những con đường nhỏ quanh co hun hút xanh màu tre trúc, gió thu dịu mát khẽ làm xao động mặt nước, thỉnh thoảng một vài chiếc lá rụng cắt ngang không gian… Trong bức tranh thu này mọi cảnh vật hiện ra đều rất đỗi bình dị, dân dã. Khung cảnh ấy vận thường hiển hiện vào mỗi độ thu về trên những làng quê và đi vào tâm thức của bao người, nhưng lần đầu tiên được Nguyễn Khuyến vẽ ra với nguyên cái thần thái tự nhiên của nó và khiến ta không khỏi ngỡ ngàng xúc động. Đó là một mùa thu trong trẻo, thuần khiết, mát lành đã bao lần đến trên quê hương của mỗi chúng ta.
Cảnh trong Câu cá mùa thu là cảnh đẹp nhưng cũng tĩnh lặng và đượm buồn. Một không gian vắng người, vắng tiếng: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Sự vận động cũng có nhưng chỉ là những vận động rất nhẹ, rất khẽ: sóng hớt gợn, lá khẽ đưa, mây lơ lửng… âm thanh tiếng cá đớp mồi thì mơ hồ. Những vận động này không làm cho không khí của bức tranh thu trở nên sôi động mà chỉ càng làm tăng thêm sự tĩnh lặng của nó. Mọi cảnh, mọi vật trong bức tranh thu này đều gợi cái tĩnh lặng và đượm buồn. Cái lạnh lẽo, trong veo của nước, cái biếc của sóng, cái xanh ngắt của trời… những trạng thái, màu sắc đó cho thây một sự tĩnh lặng đang bao trùm từ bầu trời cho đến mặt đất. Mọi cái dường như không chuyển động, dường như rơi vào trạng thái im vắng đến tuyệt đối. Cả con người ở đây cũng vậy. Người ngồi câu trong trạng thái tựa gối ôm cần, không câu được cá nhưng dường như vẫn không hề sốt ruột, cái không chi toát lên ở vẻ bề ngoài mà là ở chiều sâu của tâm tư – một tâm tư dường như cũng tĩnh lặng tuyệt đối. Con người và cảnh vật một cách tự nhiên đã hoà nhịp cùng nhau tạo nên linh hồn cho bức tranh thu. Cái tĩnh, cái buồn rõ ràng là trạng thái của cảnh vật ở đây tuy nhiên, đó không phải là cái tĩnh của sự chết lặng, thiếu vắng sức sống, cũng không phải là cái buồn của sự bi lụy, chán chường. Gắn với cái buồn, cái tĩnh này vẫn là sự trong sáng, thơ mộng và sức sống muôn đời bất diệt của thiên nhiên xứ sở.
Phải gắn bó tha thiết với quê hương, phải có một tâm hồn nhạy cảm đến độ nào thì Nguyễn Khuyến mới có thể tái hiện một cách tài tình tất cả vẻ đẹp xiết bao bình dị mà nên thơ của mùa thu làng quê Bắc Bộ vào trong những vần thơ tự nhiên, giản dị đến thế. Thơ thu Việt Nam giàu có, đặc sắc hơn bởi những vần thơ như thế của Nguyễn Khuyến.
Cảm nhận về bức tranh thu trong Câu cá mùa thu – mẫu 2
Cảnh vật thiên nhiên và cảnh sắc tiết trời là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thi sĩ, đặc biệt là các mùa của một năm, mùa thu là một trong những mùa nằm trong rất nhiều đề tài lớn của thi ca nhân loại nói chung và thơ ca Việt Nam nói riêng. Trong số các tác giả kiệt xuất với những bài thơ về mùa thu thì tác giả Nguyễn Khuyến ôm trọn cho mình chùm ba bài thơ thu, “Câu cá mùa thu” là một trong ba bài thơ thu và được coi là điển hình cho thơ ca về mùa thu ở Việt Nam.
Cảnh thu trong bài thơ là cảnh đẹp được cảm nhận từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ gần đến xa, từ thấp lên cao, từ hẹp đến rộng và nhiều hướng khác nữa, điều này đã góp phần làm cho cảnh đẹp của mùa thu được mở rộng hơn và sinh động, gần gũi hơn. Tất cả mọi cảnh vật cũng được nhuốm màu thu, từ ao thu đến bầu trời thu rồi đường thôn ngõ xóm đều mang hồn thu, cảnh thu đã bao trùm lên khắp ngôi làng ở vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Hồn thu được gợi lên từ những hình ảnh hết sức đơn sơ, bình dị và thân thuộc, là ao nhỏ nước trong veo với sóng biếc gợn, là thuyền câu bé tí, lá vàng khẽ đung đưa, rồi là những đám mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co,… tất cả hòa hợp với nhau tạo nên một cảnh thu thật sống động và chân thực.
Bên cạnh việc góp mặt trong khung cảnh mùa thu, những đường nét và màu sắc còn có tác dụng gợi lên trong trí tưởng tượng của người đọc về hình ảnh một buổi sớm mùa thu rất đỗi yên bình, khung cảnh mùa thu của vùng đồng bằng Bắc bộ hiện lên với bầu trời trong xanh cao rộng, những ao chum trong vắt phản chiếu bầu trời và màu lá, thôn xóm hun hút và quanh co bên những rặng tre, khóm trúc. Tác giả Nguyễn Khuyến đã vẽ ra bức tranh ấy với thần thái tự nhiên khiên cho chúng ta là người cảm nhận bức tranh ấy không khỏi ngỡ ngàng và xúc động, cảm giác như chính mình được đắm chìm trong khoảnh khắc mát lành của mùa thu ấy trên quê hương của chúng ta.
Trong bài thơ, điểm nhấn mạnh đó chính là bức tranh câu cá mùa thu, đây là một bức tranh vừa mang vẻ đẹp thiên nhiên lại vừa mang sự tĩnh lặng và nhuốm buồn. Đó là một không gian vắng người lặng tiếng “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”, mọi sự vật hiện tượng dường như vận động một cách nhẹ nhàng và khẽ nhất có thể: sóng khẽ gợn, lá khẽ đưa, mây lơ lửng, cá đớp mơ hồ,… Tuy đó là sự miêu tả một cách chân thật nhất nhưng âm thanh, tiếng động của cảnh vật mùa thu nhưng nó không mang lại sự sôi động cho bức tranh mùa thu mà ngược lại, chính những vận động và âm thanh ấy lại càng làm tăng thêm sự tĩnh mịch của nó.
Sự tĩnh lặng này cón chứa chất nỗi buồn, và có thể thấy chính cái lạnh lẽo và trong veo của làn nước ao thu, chính màu xanh ngắt của bầu trời thu kia đã mang sự tĩnh lặng bao trùm từ bầu trời xuống đến mặt đất. Không chỉ có cảnh vật, chính con người trong bức tranh thu ấy cũng rơi vào trạng thái im ắng đến lạ thường. Người câu cá trong tư thế tựa gối ôm cần, chẳng câu được cá nhưng vẫn ung dung không hề sốt ruột hay nóng vội, và có thể thấy sự tĩnh lặng ấy đã thấm vào chiều sâu của tâm tư. Sự hòa quyện của cảnh vật và con người đã tạo nên hồn thu trong bức tranh ấy, cái tĩnh lặng và buồn ấy không phải là sự chết lặng và buồn chán mà là sự tĩnh lặng tinh khiết, tâm tư thơ mộng đắm chìm trong sức sống của vẻ đẹp thiên nhiên.
Qua bài thơ này, chúng ta có thể nhận định rằng tác giả Nguyễn Khuyến chắc hẳn phải mang trong mình tình yêu quê hương, sự gắn bó tha thiết và một tâm hồn rất nhạy cảm mới có thể tái hiện một cách hoàn hảo vẻ đẹp vốn rất bình dị và đơn sơ của mùa thu làng quê đồng bằng Bắc bộ. Những lời thơ giản dị, tự nhiên mà gần gũi, đi sâu vào trong lòng người đọc, cũng chính nhờ những vần thơ ấy mà những bài thơ thu của Việt Nam trở nên giàu có và đặc sắc hơn.
Cảm nhận về bức tranh thu trong Câu cá mùa thu – mẫu 3
Viết về đề tài mùa thu đã từng có rất nhiều những thi nhân mặc khách như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du thả hồn mình với non nước mây trời nhưng phải đến Nguyễn Khuyến với chùm thơ thu thì cảnh thu mới thực sự hiện lên rõ nét có những đặc trưng của riêng nó. Đặc biệt là bài “Câu cá mùa thu”- “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Bức tranh thu thanh bình, tĩnh lặng với những hình ảnh giản dị, mộc mạc mà có sức hấp dẫn riêng được thi sĩ đặc tả qua tám câu thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
Nếu như trong thơ Nguyễn Trãi cảnh thu vẫn là thu mượn với những hình ảnh ước lệ, tượng trưng thì đến Nguyễn Khuyến bằng tài năng của mình đã đưa thơ Việt Nam phát triển lên một bước mới gần với hiện thực, cụ thể và sinh động hơn trong bút pháp miêu tả. Mùa thu trong thơ ông là mùa thu của dân tộc, mùa thu của vùng quê chiêm trũng Bắc Bộ.
Mở đầu là khung cảnh mùa thu được hiện ra trước mắt với hình ảnh:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Cảnh thu được gói vào trong không gian eo hẹp và tĩnh lặng, ao thu bé tí nổi lên là chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Hai câu thơ gợi cho ta thấy một không gian thật nên thơ chữ tình để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.
Nguyễn Khuyến tả cảnh thu không chỉ dừng lại ở đó mà còn miêu tả thật sinh động với hình ảnh “sóng biếc”, “lá vàng” có những chuyển động thật nhẹ nhàng, tinh tế. Cái động ấy càng tô đậm thêm sự tĩnh tại của cảnh vật với nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Chữ “vèo” gợi ra cái thanh mảnh, mong manh của chiếc lá mùa thu nhưng có một sức hút làm nên đặc sắc nghệ thuật khiến cho Tản Đà phải tâm đắc, khâm phục. Ông thổ lộ một đời thơ ông mới có được một câu thơ vừa ý “Vèo trông lá rụng đầy sân”.
Nguyễn Khuyến như hóa thân thành nhà quay phim, tầm nhìn của ông như chiếc máy quay khi gần, khi xa, khi ở dưới mặt ao rồi lại quay đến tầm cao trên bầu trời hay là cả chiều sâu hun hút của ngõ trúc quanh co. Ngõ trúc là đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Phải là một con người có tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước đến vô cùng mới có được tầm nhìn bao quát đến từng chi tiết miêu tả cảnh thu. Màu xanh của da trời, màu xanh của trúc bao trùm lên sắc màu của không gian. Cảnh vật trở nên u tịch, cô liêu, hiu hắt với tính từ “vắng teo” tức là vắng tanh, vắng ngắt không một bóng người đồng thời cũng cho thấy sự thoáng đãng, trong lành của không gian nơi đây.
Cảnh thu trong bài thơ “Câu cá màu thu” là khung cảnh đẹp có sự vắng lặng, thanh bình. Mọi sự vận động đều trở nên rất nhẹ nhàng, chuyển động mà như có như không của sóng gợn, của lá thu duyên dáng bay trong gió. Con người ở đây cũng vậy không hề to lớn như những con người của thời đại với tư thế “hoành sóc” như trong “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão mà nó cô liêu, đơn độc nhỏ bé trong không gian:
Tựa gối buông cần lâu chẳng được Cá đâu đớp động dưới chân bèo
Nguyễn Khuyến xuất hiện với tư thế ngồi bó gối buông cần thả câu toát lên vẻ trầm tư tạo nên một đường nét bất động trên nền bức tranh thu tĩnh lặng. Nhà thơ như mơ hồ giữa thực tại mà bất giác bị giật mình khi tiếng cá đớp động dưới chân bèo. Có thể nói âm thanh vang lên trên cái nền tĩnh động của không gian là nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật tả cảnh của nhà thơ. Con người và cảnh vật như hòa vào nhau làm một tạo nên một bức tranh thủy mặc đậm chất cổ điển. Cái tĩnh cái buồn ấy nó không chết lặng mà vẫn có sự trong sáng, thơ mộng và có sức sống bất diệt trong thơ ca.
Bài thơ “Câu cá mùa thu” đã đặc tả được bức tranh mùa thu của làng cảnh Việt Nam thật với tất cả những vẻ đẹp đơn sơ, bình dị đậm chất thôn quê được tái hiện qua lăng kính tâm hồn và thành công với nghệ thuật miêu tả tài tình của tác giả. Nguyễn Lộc đã nhận định: “Nói về thiên nhiên, trong văn học cổ có rất nhiều, tả cái đẹp của thiên nhiên mùa thu trong văn học cổ rất hay. Nhưng trước Nguyễn Khuyến chưa bao giờ có một thiên nhiên đậm đà phong vị của quê hương đất nước đến thế”.
Tài liệu trên đây do HocThatGioi chọn lọc và tuyển chọn , là nguồn tài liệu tham khảo cần thiết và bổ ích giúp học sinh có thể nắm vững kiến thức quan trọng của tác phẩm. Nếu thấy hay hãy chia sẻ cho bạn bè cũng tham khảo nhé!. Chúc các bạn học tốt!