Ngữ Văn 11

Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương đầy đủ và chi tiết nhất

Bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương nằm trong chương trình Ngữ văn 11 học kì I. Nhằm giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức và đạt được kết quả cao trong học tập thì sau đây HocThatGioi sẽ hỗ trợ, tổng hợp cho các bạn cách phân tích tác phẩm Thương vợ một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Cùng tham khảo nhé!

1. Mở bài

a. Giới thiệu về tác giả Trần Tế Xương:

  • Trần Tế Xương là người con của làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là thành phố Nam Định).
  • Người đời thường biết đến Tú Xương về tính cách phóng khoáng, tự do, không chịu gò ép mình vào bất kì một khuôn khổ nào, kể cả những lề lối sáo rỗng của việc thi cử. Chính vì lẽ đó nên ông chỉ đỗ đến bậc tú tài dù học rất giỏi và khăn gói đi thi rất nhiều lần. Đây cũng chính là lí do của danh xưng Tú Xương mà mọi người vẫn gọi ông.
  • Tú Xương sáng tác phần lớn bằng chữ Nôm với nhiều thể thơ khác nhau như: thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, lục bát, song thất lục bát. Trong những tác phẩm của mình, Tú Xương khéo léo lồng vào tiếng cười với nhiều cung bậc, mức độ khác nhau nhưng cùng vì mục đích châm biếm những điều xấu xa, tiêu cực một cách mạnh mẽ và sâu sắc.
Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương đầy đủ và chi tiết nhất 3
Thương vợ – Trần Tế Xương

b Giới thiệu về tác phẩm Thương vợ:

  • Thương vợ là bài thơ cảm động động nhất trong chùm thơ văn câu đối về đề tài bà Tú thể hiện tình cảm, thái độ của tác giả đối với vợ
  • Hình ảnh bà Tú tần tảo, chịu thương chịu khó hiện lên qua nỗi thương vợ của thi sĩ
  • Lời thơ giản dị sâu sắc cùng với tình cảm thương yêu quý trọng, tác giả đã ghi lại một cách chân thực xúc động hình ảnh người vợ tàn tảo, giàu đức hi sinh

2. Thân bài

a. Hai câu đề:

Việc phân tích bài thơ Thương vợ sẽ được cụ thể hoá thông qua việc phân tích từng cặp câu thơ. Đầu tiên là hai câu đề:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.

Hai câu thơ này đã khái quát nên hoàn cảnh vất vả của bà Tú và đồng thời cũng chỉ rõ lí do đưa bà vào hoàn cảnh ấy. Cụ thể hơn, bà Tú phải gánh trên vai gánh nặng của gia đình bằng công việc buôn bán của mình. Bà phải làm việc “quanh năm” mà không có một phút giây ngơi nghỉ và công việc ấy, bà phải làm trong một địa thế rất chông chênh – “mom sông” – vốn là phần đất nhỏ nhô ra phía sông. Với một người phụ nữ, đó là một công việc vô cùng vất vả, dù lam lũ nhưng lại không đảm bảo ổn định.

Lí do của việc một người phụ nữ như bà Tú phải tất tả ngược xuôi bươn chải như thế là vì bà cần nuôi tất thảy “năm con” với “một chồng”. Cuộc sống đã đặt bà tú vào một hoàn cảnh éo le khi bà không chỉ phải chăm sóc cho con mà còn phải lo tất tần tật cho chồng và gánh luôn tránh nhiệm của người trụ cột trong gia đình. Khi đặt mình lên bàn cân trong thế đối xứng “năm con” – “một chồng”, ông Tú dường như cũng nhận ra mình là nhân tố khiến cho gánh nặng của người vợ của mình thêm oằn xuống.Bà Tú chính là hiện thân cho sự đảm đang, chu đáo với chồng con, gia đình của tất cả những người phụ nữ nói chung.

b. Hai câu thực:

Phần thực, tô đậm thêm chân dung bà Tú, mỗi sáng mỗi tối đi đi về về “lặn lội” làm ăn như “thân cò” nơi “quãng vắng”. Ngôn ngữ thơ tăng cấp, tô đậm thêm nỗi cực nhọc của người vợ. Câu chữ như những nét vẽ, gam màu nối tiếp nhau, bổ trợ và gia tăng; đã “lặn lội” Lại “thân cò”, rồi còn “khi quãng vắng”. Nỗi cực nhọc kiếm sông ở “mom sông” tưởng như không thể nào nói hết được! Hình ảnh “con cò” cái cò trong ca dao cổ: “Con cò lặn lội bờ sông…”, “Con cò đi đón cơn mưa…”, “Cái cò, cái vạc, cái nông,..” được tái hiện trong thơ Tú Xương qua hình ảnh “thân cò” lầm lũi, đã đem đến cho người đọc bao liên tưởng cảm động về bà Tú, cũng như thân phận vất vả, cực khổ, của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ:

Lặn lội thân cò nơi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Cũng sử dụng nghệ thuật đảo ngữ như câu thơ trước đó, từ “eo sèo” lại được đặt ở vị trí đầu tiên của câu thứ hai trong cặp câu thực. Bản thân từ đó đã gợi ra cảnh chen lấn, xô đẩy và khi công việc của bà Tú lại diễn ra trong “buổi đò đông” thì lại càng gợi nên sự bất trắc, gian nan gấp bội. Như vậy, cả hai câu thơ đã nói lên thực cảnh làm việc của bà Tú: vừa nhọc nhằn vừa bấp bênh. Nhưng qua đó, ta lại có thể cảm nhận được tình cảm yêu thương tha thiết mà Trần Tế Xương dành cho người vợ của mình. 

Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương đầy đủ và chi tiết nhất 4

c. Hai câu luận:

Hình ảnh bà Tú qua những câu thơ đầu tiên đã hiển hiện những nét đẹp đáng quý và những đức tính tốt đẹp của bà được khẳng định rõ ràng qua hai câu thơ tiếp theo:

Một duyên hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa dám quản công

“Duyên” là duyên số, duyên phận, là cái “nợ” đời mà bà Tú phải cam phận, chịu đựng. “Nắng”, “mưa” tượng trưng cho mọi vất vả, khổ cực. Các số từ trong câu thơ tăng dần lên: “một… hai… năm… mười… làm nổi rõ đức hi sinh thầm lặng của bà Tú, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó vì sự ấm no, hạnh phúc của chồng con và gia đình. “Âu đành phận”, … “dám quản công” … giọng thơ nhiều xót xa, thương cảm, thương mình, thương gia cảnh nhiều éo le.

d. Hai câu kết

Bài phân tích bài Thương vợ sẽ kết lại thông qua việc làm rõ ý nghĩa của hai câu thơ cuối cùng:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.

Trách mình “ăn lương vợ”, mà “ăn ở bạc”. Vai trò nggười chồng, người cha chẳng giúp ích được gì, vô tích sự, thậm chí còn “hờ hững” với vợ con. Lời tự trách sao mà chua xót thế! Ta đã biết, Tú Xương có văn tài, nhưng công danh dở dang, thi cử lận đận. Sống giữa một xã hội “dở Tây, dở ta”, chữ nho mạt vận, lúc mà “Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co”, cho nên nhà thơ tự trách mình đồng thời cũng là trách đời đen bạc. Ông không xu thời để vinh thân phì gia “tối rượu sâm banh, sáng sữa bò”.

Hai câu kết là cả một nỗi niềm tâm sự và thế sự đầy buồn thương, là tiếng nói của một trí thức giàu nhân cách, nặng tình đời, thương vợ con, thương gia cảnh nghèo. Tú Xương thương vợ cũng chính là thương mình vậy: nỗi đau thất thế của nhà thơ khi cảnh đời thay đổi!

3. Kết bài

Tóm lại “Thương vợ” là một bài thơ hay mang đậm giá trị cảm xúc của Tú Xương. Nó hay trong cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh trong ca dao, thành ngữ của Tú Xương. Bài thơ lại mang đậm cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị mà sâu sắc, nói lên tình cảm yêu thương, sự quý trọng mà Tú Xương dành cho vợ. Bên cạnh đó, bài thơ còn thể hiện đức tính đẹp của người phụ nữ Việt Nam xã hội xưa nói chung và bà Tú nói riêng.

Tài liệu trên đây do HocThatGioi chọn lọc và tuyển chọn , là nguồn tài liệu tham khảo cần thiết và bổ ích giúp học sinh có thể nắm vững kiến thức quan trọng của tác phẩm. Nếu thấy hay hãy chia sẻ cho bạn bè cũng tham khảo nhé!. Chúc các bạn học tốt!

Bài viết khác liên quan đến Lớp 11 – Ngữ Văn – Thương Vợ
Back to top button
Close