Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo cực hay
Nam Cao đã thực sự thành công trong việc xây dựng chi tiết giọt nước mắt của “con quỷ dữ làng Vũ Đại” trong đoạn Chí Phèo được Thị Nở nấu cho bát cháo hành, cùng nêu những cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo để thấy được dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Sau đây là dàn ý chi tiết cùng bài văn mẫu nêu cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo do HocThatGioi chọn lọc và tuyển chọn. Cùng tham khảo ngay nhé!
Dàn ý chi tiết nêu cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo
I. Mở bài
– Giới thiệu về nhà văn Nam Cao.
– Giới thiệu về tác phẩm Chí Phèo và hình ảnh giọt nước mắt của hắn.
II. Thân bài
– Giọt nước mắt trong các tác phẩm văn học:
- Nước mắt: Sản phẩm cụ thể của tình cảm, thể hiện cảm xúc của con người.
- Tâm trạng của con người khi rơi vào tột đỉnh của xúc cảm (buồn, vui): bật ra tiếng khóc, nước mắt.
- Bắt gặp nhiều nhân vật với nhiều tính cách đặc trưng khác nhau có những giọt nước mắt như thế (Lão Hạc, Vợ nhặt…).
=> Giọt nước mắt của Chí Phèo khác hơn (không biết là giọt nước mắt đau khổ hay hạnh phúc).
– Giọt nước mắt của Chí Phèo – nước mắt hạnh phúc:
- Chí Phèo là một con người cô đơn, bị cả làng xa lánh.
- Thị Nở đến với hắn bất ngờ, quan tâm hắn, khiến hắn ấm lòng, cảm động “lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho”.
- Một con người tưởng đã chai lì cảm xúc (con quỷ), vẫn có thể thấy “mắt mình hình như ươn ướt” vì cảm động – cảm xúc chưa từng có.
=> Đây là giọt nước mắt hạnh phúc của hắn khi được quan tâm, cũng là giọt nước mắt khi lương tri thức tỉnh.
– Giọt nước mắt đau khổ của Chí Phèo:
- Chí Phèo bị Thị Nở từ chối tình yêu vì định kiến xã hội (bà cô): “Thị chống hai tay vào háng, vênh vênh cái mặt lên… trút vào hắn tất cả những lời của bà cô”.
- Diễn biến tâm trạng của Chí rất phức tạp: “hắn ngạc nhiên”, “hắn sửng sốt”, “hắn ôm mặt rưng rưng khóc”. Giọt nước mắt thực sự đầu tiên đã rơi xuống.
- So sánh: Giọt nước mắt hạnh phúc “ươn ướt” và giọt nước mắt đau khổ “rưng rưng”.
- Giọt nước mắt ấy là bi kịch bị từ chối quyền làm con người.
- Trước khi gặp Thị Nở: Hắn là một con quỷ, chưa từng ngớt cơn say – Thị Nở đến: Cứu vớt tâm hồn hắn, thậm Chí hắn đã mở được trở lại xã hội.
- Giờ đây, Thị Nở lại đẩy hắn xuống vực thẳm bởi lề thói xã hội.
- Chí Phèo tìm đến rượu để quên, để lấy lại sức mạnh.Càng uống càng tỉnh, thấy “thoang thoảng mùi cháo hành”. Con người trong hắn đã thức tỉnh.
– Nghệ thuật miêu tả tiếng khóc của Nam Cao:
- Khả năng phân tích tâm lý tài hoa, hóa thân vào nhân vật và trải nghiệm.
- Giọt nước mắt của nhân vật trong tác phẩm đều là giọt nước mắt của những số phận bi kịch (lão Hạc, nhà văn Hộ…).
=>Tiếng khóc giàu ý nghĩa hình tượng, góp phần nổi bật chủ đề của tác phẩm.
III. Kết bài
– Đánh giá về ý nghĩa giọt nước mắt của Chí Phèo.
Bài mẫu cảm nhận hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo – bài mẫu học sinh giỏi
Nam Cao là một cây bút hiện thực xuất sắc thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Truyện ngắn “Chí Phèo” là kiệt tác đã kết tinh cao nhất cho đặc điểm nghệ thuật của nhà văn viết về đề tài người nông dân trước cách mạng. Trong truyện, nhà văn đã xây dựng được một hình ảnh thấm đẫm tinh thần nhân đạo đó là giọt nước mắt của Chí Phèo khi nhận được tình thương của thị Nở.
Có thể nói nhà văn Nam Cao đã tạo nên những ám ảnh lớn về số phận bi kịch của người nông dân Chí Phèo từ lai lịch xuất thân. Nhà văn miêu tả được Chí trong cái lò gạch bỏ không vắng người qua lại. Như vậy, ngay từ đầu số phận Chí Phèo đã đau khổ, bất hạnh và bị hắt hủi, bỏ rơi giữa cuộc đời hoang lạnh. Nhưng rồi những bàn tay của kiếp nghèo chìa ra nâng đỡ Chí: “Anh thả ống lươn rước lấy đem cho bà già góa mù, người đàn bà góa mù bán cho bác phó cối không con, bác phó cối chết, Chí Phèo đi ở cho hết nhà này đến nhà khác”. Đó là một trang đời cô đơn thấm đẫm nước mắt, không cha không mẹ tứ cố vô thân. Nói như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh: “Một con số không to tướng bao trùm lên cuộc đời của Chí”. Tuy nhiên, Chí vẫn là một con người lương thiện. Cuộc đời xô đẩy đến năm hai mươi tuổi, Chí làm canh điền cho nhà bá Kiến cũng là đến với hành trình đau khổ của đời người. Chí đã qua quãng đời bi thương để bắt đầu đến bến bờ của bi kịch. Bắt đầu cái bi kịch của đời người này là Chí phải làm những điều mà hắn thấy nhục hơn là thấy thích, huống hồ lại sợ, đấy là vợ bá Kiến bắt Chí phải bóp chân đấm lưng gì đấy. Chỉ thấy nhục nghĩa là Chí còn có tự trọng. Nói đến quá khứ lương thiện của Chí Phèo, Nam Cao muốn khẳng định bản chất Chí trở thành quỷ dữ nguyên nhân không phải do bản chất của người nông dân này mà là do xã hội phong kiến tàn bạo đã đẩy Chí vào con đường lưu manh, tha hóa bởi Chí trở thành quỷ dữ khi ở tù ra.
Vì một chuyện ghen tuông không đâu, bá Kiến đã đẩy Chí vào tù. Chính nhà tù thực dân đã tiếp tay cho bá Kiến đẩy nhanh quá trình tha hóa. Nhà tù đã “nhai ngấu nghiến” tất cả những gì thuộc về phần người trong Chí, để đến khi “thải ra” Chí là con vật với hình hài “cái đầu cạo trọc lộc, cái răng cạo trắng hớn, cái mắt thì đen mà rất cơng cơng, hai con mắt gườm gườm trông gớm chết”. Đây không phải là nét vẽ khiếm khuyết của bàn tay tạo hóa trên hình hài vóc dáng của Chí mà đó là dấu tích sống động về một con người bị xã hội thực dân phong kiến hủy hoại cả nhân hình. Sau khi ở tù ra, Chí Phèo uống rượu say khướt, vác vỏ chai đến nhà bá Kiến để trả thù ăn vạ, cứ mồ mả tổ tiên nhà bá Kiến ra mà chửi, rồi xông vào đánh nhau với lý Cường nhưng bá Kiến – tên cường hào khôn róc đời đã làm suy sụp và tiêu tán ý muốn trả thù của Chí. Từ đó, Chí trở thành tay sai cho bá Kiến. Chí đã trở thành kẻ đâm thuê chém mướn – bán linh hồn cho quỷ dữ. Chí Phèo ăn trong lúc say, rạch mặt trong lúc say. Đời Chí gắn với tiếng chửi, cơn say và những hành động bản năng thô bạo.
Cuộc đời ấy tưởng chừng như mãi sống kiếp thú vật nếu như không có cuộc gặp gỡ với thị Nở – người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, dở hơi lại có dòng dõi mả hủi. Cuộc gặp gỡ kỳ diệu, đặc biệt là sự chăm sóc đầy ân tình của thị Nở: “Thị Nở đã đem đến cho Chí bát cháo hành, bát cháo có gì đâu “một dúm gạo, vài ba cọng hành, một vài hạt muối trắng” ấy vậy mà nó lại trở thành một liều thuốc giải độc đến không ngờ bởi đây là lần đầu tiên hắn được một người đàn bà cho ăn từ sau khi đi ở tù về và được sống trong tình cảm yêu thương thực sự. Bát cháo hành đã nấm càng làm hắn suy nghĩ. “Hắn thấy mắt mình như ươn ướt… Hắn nhìn bát cháo hành bốc khói mà lòng bâng khuâng… Hắn thấy vừa vui vừa buồn… Hắn thấy lòng hắn thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn buồn!”.
Hình ảnh giọt nước mắt trong sáng tác của Nam Cao đã vô cùng quen thuộc. Nếu như đám cưới phải là một chuyện vui nhưng “một đám cưới” của Nam Cao chẳng khác nào một đám ma cả nhà gái nhà trai vỏn vẹn chỉ có sáu người. Cả bọn lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm rắt ríu nhau đi tìm chỗ ngủ. Một đám cưới nhưng thực chất là chia nhau ra để trốn chạy cái đói vì vậy ban đầu “Dần sụt sùi khóc, rồi khóc nức lên, nức nở”. Hay nước mặt của Hộ trong “Đời thừa” được Nam Cao miêu tả đầy ấn tượng: “Nước mắt hắn bật ra như một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc. Ôi chao! Hắn khóc! Hắn khóc nức nở, khóc như không thể ra tiếng khóc”. Đó là giọt nước mặt xám hối, ân hận.
Nước mắt là sản phẩm cụ thể của tình cảm. Khi người ta rơi vào một tình huống nào đó thì dễ nảy sinh tâm trạng mà đỉnh cao của trạng thái tình cảm thường biểu lộ bằng giọt nước mắt. Có giọt nước mắt hạnh phúc sung sướng, có giọt nước mặt ân hận khổ đau. Ở đây, đó là giọt nước mắt biểu hiện của sự cảm động bởi từ sau khi đi tù về, Chí Phèo muốn có cơm ăn áo mặc là phải dọa nạt, cướp giật. Còn đây là lần đầu tiên, Chí Phèo được người đàn bà cho ăn và sống trong tình thương chân thật. Nước mắt của Chí Phèo lúc này còn biểu hiện của một con người đang hạnh phúc, hạnh phúc trước tình thương chứ không phải là vật chất. Nhưng giọt nước mắt được miêu tả chỉ là “hình như mắt hắn hơi ướt” chứ không phải chảy thành dòng, rõ ràng đó chỉ là một phần thức tỉnh, một chút chất người còn sót lại mà thôi.
Giọt nước mắt này đã đánh thức phần lương tri đã ngủ quên bên trong hắn, mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Chí Phèo không muốn làm con quỷ dữ bị cả làng khinh ghét nữa, hắn khát khao lương thiện, khát khao được làm hòa với mọi người “trời ơi hắn thèm lương thiện”, “hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao” và Thị Nở chính là cầu nối giúp Chí trở về với con đường lương thiện.
Nhưng khao khát thành người lương thiện của Chí thật khó có thể trở thành hiện thực. Bà cô thị Nở chính là đại diện cho những định kiến của người dân làng Vũ Đại đã ngăn cản không cho Chí có được quyền làm người. Chí Phèo đã tuyệt vọng, đau đớn mà “ôm mặt khóc rưng rức”. Giọt nước mắt ở đây là giọt nước mắt cuối cùng nhưng lại rơi trong sự tuyệt vọng, đau khổ đến cùng cực khi bị từ chối quyền làm người, khi biết mình không thể trở lại con đường lương thiện được nữa.
Hình ảnh giọt nước mắt của Chí là một sáng tạo nghệ thuật của Nam Cao. Hình ảnh này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu tính cách và tâm lí của nhân vật. Qua việc tập trung thể hiện chi tiết đắt giá ấy, Nam Cao đã thể hiện một tư tưởng nhân đạo sâu sắc.
Tài liệu trên đây do HocThatGioi chọn lọc và tuyển chọn , là nguồn tài liệu tham khảo cần thiết và bổ ích giúp học sinh có thể nắm vững kiến thức quan trọng của tác phẩm. Nếu thấy hay hãy chia sẻ cho bạn bè cũng tham khảo nhé!. Chúc các bạn học tốt!
Bài viết khác liên quan đến Lớp 11 – Ngữ Văn – Chí Phèo
- Top 5 mẫu phân tích truyện ngắn Chí phèo của Nam Cao hay nhất
- Top 8 bài mẫu phân tích nhân vật Chí Phèo hay nhất
- Top 5 mẫu phân tích quá trình tha hóa của nhân vật Chí Phèo hay nhất
- Phân tích hình ảnh Cái lò gạch cũ trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao
- Phân tích ý nghĩa ba lần Chí Phèo đến nhà Bá Kiến