Top 10 mẫu mở bài Người lái đò sông Đà gián tiếp hay nhất
Tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân là một trong các tác phẩm tiêu biểu của Văn học lớp 12. Với thể thức tùy bút – một thể loại ít gặp trong suốt chương trình học thì đây là một văn bản tương đối khó nhằn với học sinh. Biết được điều đó, hôm nay HocThatGioi sẽ gửi đến các bạn Top 10 mẫu mở bài Người lái đò sông Đà gián tiếp hay nhất để giúp bạn đọc giải quyết phần nào những khó khăn khi phân tích tác phẩm này nhé!
Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà mẫu 1
Nguyễn Tuân sinh năm 1910, mất năm 1987 là một nhà nghệ sĩ lớn của dân tộc Việt Nam. Vốn là một người tri thức giàu lòng yêu nước lại am hiểu sâu rộng nền văn hoá dân tộc, ông viết nên những tác phẩm rất mực uyên bác và giàu giá trị. Nếu như trước cách mạng, văn học của Nguyễn Tuân chạm đến lòng người bởi vẻ đẹp tài hoa của những con người “một thời vang bóng” như Huấn Cao thì sau cách mạng, Nguyễn Tuân khiến người đọc rung cảm bởi sự tinh tế và tài năng trong việc vẽ nên những nét đẹp gân guốc nhưng gần gũi, bình dị với thiên nhiên và đời sống con người. Tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” là một thành công tiêu biểu cho phong cách văn học ấy.
Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà mẫu 2
Nguyễn Tuân là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Mỗi tác phẩm của ông là một bài ca về cái đẹp của con người, của cuộc sống với tư tưởng, tình cảm gắn bó quê hương. Nguyễn Tuân được người đọc đặc biệt chú ý về phong cách nghệ thuật rất riêng và rất độc đáo của ông. “Người lái đò Sông Đà”, đó là một bài tùy bút, cũng là một bài thơ bằng văn xuôi thể hiện rõ nhất những nét tiêu biểu về phong cách đó.
Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà mẫu 3
Đến với tác phẩm của Nguyễn Tuân mỗi người sẽ tìm cho bản thân mình những xúc cảm riêng, là sự ngưỡng mộ, khám phá chờ mong. Dường như dưới đôi bàn tay tài hoa nghệ sĩ, ông đã khiến người đọc như chìm đắm, như được sống những phút giây thực sự với thiên nhiên khung cảnh nơi đó. Đây chính là cái tài sử dụng ngôn ngữ của ông. Đặc biệt qua đoạn trích “Người lái đò sông Đà” tài năng đó càng được bộc lộ rõ nét hơn.
Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà mẫu 4
Nguyễn Tuân là một trong các tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Ông là một nghệ sĩ lớn, nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của văn học nước nhà. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân có thể tóm gọn trong một chữ “Ngông”. Để thể hiện phong cách này, trong mỗi trang viết của ông đều thể hiện sự độc đáo, tài hoa và uyên bác; luôn tiếp cận con người từ góc độ tài hoa, nghệ sĩ; luôn nhìn nhận sự vật từ phương diện văn hóa, mỹ thuật. Nguyễn Tuân thành công ở cả hai giai đoạn sáng tác trước và sau cách mạng tháng Tám. Thể loại sở trường của ông là Tùy bút, và rất nhiều tác phẩm đặc sắc. Trong đó, Tùy bút “Người lái đò sông Đà” có thể được xem là một trong những áng văn tiêu biểu nhất của ông.
Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà mẫu 5
Nổi lên như một vì sao tinh tú trên thi đàn văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân được biết đến là một trong những cây bút có sức sáng tạo dồi dào bậc nhất với những thành tựu xuất sắc ở cả hai giai đoạn trước và sau cách mạng. Ông là một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, có cá tính độc đáo. Một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, viết về cái đẹp và say trong cái đẹp. Nguyễn Tuân thường khám phá thế giới ở văn hóa thẩm mỹ, thường miêu tả con người trong vẻ đẹp tài hoa của người nghệ sĩ. Ông sáng tác nhiều thể loại, nhưng đặc biệt thành công ở thể tùy bút. Tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân ở thể loại này là tùy bút “Người lái đò sông Đà”.
Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà mẫu 6
Hiếm có một nhà văn nào mà lại được các nhà phê bình văn học xưng tụng là “bậc thầy phù thủy của ngôn ngữ, kho từ vựng phong phú của tiếng Việt” hay là “Văn của ông không dùng cho những người nông nổi, thường thức”, nhà văn ấy mới chỉ cầm bút hai năm đã nổi tiếng. Đó không phải là ai khác, mà chính là Nguyễn Tuân. Nhà văn Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đào và sâu sắc. Trước cách mạng tháng Tám, ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại mà ông thường gọi là “Vang bóng một thời” thì giờ đây, trong tư tưởng của Nguyễn Tuân không có sự đối lập giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Mong muốn tìm ra những đối tượng gây cảm giác mạnh ở những cảnh đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, đất nước và những thành tích của nhân dân trong chiến đấu, lao động. Tiêu biểu cho phong cách này là đoạn trích “Người lái đò sông Đà” được trích trong tập tùy bút “Sông Đà” của ông.
Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà mẫu 7
Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng Nguyễn Tuân là một người nghệ sỹ mang cái tôi tài hoa, uyên bác. Đó là bởi lối chơi độc tấu của người nghệ sỹ, vốn là của những cảm giác mãnh liệt, phi thường. Khi đến với sông núi Tây Bắc xa xôi, rộng lớn cái vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ cùng sự dũng cảm của con người đã khiến nhà văn không thể nào quên. Chính điều này đã làm nên một bài bút ký đặc sắc “Người lái đò sông Đà”. Nguyễn Tuân đã dùng ngòi bút tài hoa của mình để cảm nhận vẻ đẹp của sông Đà như là một kì công của tạo hóa, như một công trình tuyệt mĩ của thiên nhiên. Nhưng dừng ở đó thì lại chưa đủ. Bởi cái đẹp thật sự, đỉnh điểm nằm ở con người. Nhà văn đã mang đến một thông điệp chủ nghĩa anh hùng đâu chỉ có trong chiến trường ác liệt, mà còn có trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Đó là một mẫu hình đẹp đẽ cho văn chương nghệ thuật phát hiện và khám phá.
Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà mẫu 8
Trên dải đất cong cong hình chữ S, có biết bao nhiêu dòng sông cho những cặp tình nhân soi bóng, cho con người yêu thương và suy tưởng về cội nguồn. Và ai ai cũng muốn có một dòng sông để lưu giữ những ký ức tuổi thơ và thể hiện niềm tự hào với đất mẹ thân thương. Ta từng biết đến một dòng sông quê hương trong thơ Tế Hanh, một con sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì ” trong thơ của Hoàng Cầm. Và đến với thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân, chúng ta còn được chiêm ngưỡng một dòng sông Đà vừa hung bạo vừa trữ tình. Chính công trình tuyệt vời của tạo hóa ấy đã níu chân ông khiến nhà văn không muốn rời xa khi đến với mảnh đất Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc. Có ý kiến cho rằng ” Trong Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ vừa hào hùng vừa thơ mộng trữ tình của thiên nhiên bằng ngòi bút tài hoa, uyên bác”.
Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà mẫu 9
Nói đến sự tài hoa, uyên bác ít ai có thể quên cái tên Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân là người nghệ sỹ suốt đời đi tìm cái đẹp. Trước cách mạng tháng Tám, ông quan niệm cái đẹp chỉ có trong một thời vang bóng. Và phẩm chất tài hoa nghệ sỹ chỉ có ở những con người xuất chúng của một thời còn vương sót lại. Đó là lý do, một Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” vừa có tài lại vừa có tâm, dù chí không thành thì tư thế vẫn hiên ngang. Sau cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân không đối lập quá khứ với hiện tại. Ông đã phát hiện ra cái đẹp có ngay trong cuộc sống dung dị, đời thường. Một “Người lái đò sông Đà” đóng vai trò là người anh hùng trong chính cuộc chiến mưu sinh hàng ngày. Có thể nói chất tài hoa, uyên bác của người nghệ sỹ được bộc lộ ở đỉnh cao nhất với “Người lái đò sông Đà”.
Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà mẫu 10
Trong những năm 58 – 60, Tây Bắc trở thành vùng đất hứa của thi ca nghệ thuật khi miền Bắc tiến lên xây dụng chủ nghĩa xã hội. Ta biết đến Tây Bắc với tập “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài, “Mùa Lạc” của Nguyễn Khải và “Tùy bút Sông Đà” của Nguyễn Tuân. Nhà văn Nguyễn Tuân thăng hoa trên mảnh đất Tây Bắc với linh hồn là bài kí “Người lái đò Sông Đà”. Là một nhà văn đi theo “chủ nghĩa xê dịch”, trong tác phẩm ông dùng những ngôn ngữ điêu luyện để làm nổi bật những đoạn đèo cao, vực sâu, thác nước dữ dội, cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt đỉnh nhưng trên cả đấy là vẻ đẹp con sông Đà. Con sông Đà cùng hình ảnh người lái đò hiện lên vừa hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng lại rất nên thơ, trữ tình và lãng mạn.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của HocThatGioi về Top 10 mẫu mở bài Người lái đò sông Đà gián tiếp hay nhất, nếu thấy bài viết hay, bổ ích hãy chia sẻ đến với bạn bè của mình để cùng nhau học giỏi nhé! Chúc các bạn học tốt
Bài viết khác liên quan đến Lớp 12 – Ngữ Văn – Người lái đò sông Đà
- Phân tích tác phẩm Người lái đò sông Đà – dàn ý chi tiết và 5 bài mẫu hay nhất
- Top 10 mẫu kết bài Người lái đò sông Đà hay nhất
- Phân tích hình tượng Người lái đò sông Đà – dàn ý chi tiết và 5 bài mẫu hay nhất
- 8 mẫu tóm tắt Người lái đò sông Đà của học sinh chuyên Văn hay nhất
- Soạn bài Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân chi tiết nhất
- Sơ đồ tư duy Người lái đò sông Đà chi tiết nhất