Ngữ Văn 12

10 mẫu mở bài, kết bài truyện ngắn Rừng xà nu cực hay

Xin chào các bạn trong bài viết này HocThatGioi sẽ gửi đến các bạn 10 mẫu mở bài, kết bài truyện ngắn Rừng xà nu cả trực tiếp và gián tiếp mà HocThatGioi đã tổng hợp và biên soạn. Hãy cùng theo dõi và chọn cho mình một cách viết để gây ấn tượng cho người đọc nhé!

mở bài rừng xà nu
Mở bài “Rừng xà nu”

Mở bài truyện ngắn Rừng xà nu

Mở bài Rừng xà nu- Mẫu 1

Tây Nguyên là mảnh đất nắng gió bao la, nơi đại ngàn hoang sơ hùng vĩ. Mảnh đất sản sinh văn hóa cồng chiêng và bao pho sử thi đồ sộ như Đam Săn, Xinh Nhã, Xinh Bia… Mảnh đất ấy cũng từng kinh qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và để lại bao dấu ấn đẹp đẽ qua bao trang văn, trang thơ. Trong số những sáng tác về mảnh đất và con người nơi đây phải kể đến “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Tác phẩm ra đời vào mùa hè đỏ lửa năm 1965 và nhanh chóng trở thành một khúc hùng ca bi tráng, thiêng liêng – một “Bản hịch thời đánh Mỹ”. Người đã dệt nên bản anh hùng ca ấy chính là hình tượng nhân vật Tnú – con người tiêu biểu cho chân lý cách mạng ngời sáng mà cụ Mết đã truyền dạy “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.

Mở bài Rừng xà nu- Mẫu 2

Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Những tác phẩm nghệ thuật đạt đến chuẩn mực của cái hay, cái đẹp sẽ và mãi “vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian và chỉ mình nó không chấp nhận cái chết”. Cũng như dù thời gian có trôi qua nhưng những giá trị của tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành vẫn mãi vẹn nguyên và tỏa sáng. Đến với tác phẩm này bên cạnh hình tượng con người Xô Man anh hùng thì còn có hình tượng cây xà nu – một loài cây mang sức sống hoang dại mãnh liệt bất chấp sự hủy diệt của tội ác kẻ thù. Đây chính là hình tượng tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Trung Thành về sức sống của con người, nhất là con người Tây Nguyên kiêu hùng bất khuất.

Mở bài Rừng xà nu- Mẫu 3

Đã có rất nhiều tác phẩm hay viết về chiến tranh, về người lính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của dân tộc, đó là những câu chuyện đi cùng năm tháng như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, là “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu, và với tôi một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm nhất là “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Truyện viết về cuộc đấu tranh đồng khởi của làng Xô Man, viết về quá trình trưởng thành từ những đau thương của Tnú để trở thành người cán bộ cách mạng mẫu mực. Tuy viết về những đối tượng cụ thể, không gian nghệ thuật cũng được giới hạn trong không gian rộng lớn của Tây Nguyên đại ngàn nhưng tầm vóc sử thi của tác phẩm lại thật lớn lao, qua câu chuyện về Tnú, về không khí đấu tranh của làng Xô Man ta lại thấy được trọn vẹn không khí hào hùng, thấy được từng bước trưởng thành của cách mạng miền Nam: từ vũng bùn của đau thương mất mát, chúng ta đứng lên đấu tranh để làm chủ cuộc sống, hướng đến ánh sáng của tự do.

Mở bài Rừng xà nu- Mẫu 4

Tây Nguyên – mảnh đất hùng vĩ và thơ mộng với những con người nồng hậu yêu thương, kiên cường bất khuất từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao người nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ, nhà văn đều tìm thấy ở mảnh đất này một biểu tượng đẹp đẽ cho tâm hồn cất cánh, cho ngòi bút thăng hoa. Nhà thơ Ngọc Anh có “Bóng cây kơ – nia” như nỗi lòng thổn thức của tình yêu thủy chung son sắt. Nhà thơ Thu Bồn có Bài ca chim Chơ – rao ngân vang khúc hát trong trẻo, nồng đượm tình người chiến thắng. Còn Nguyễn Trung Thành lại cho người đọc chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên khỏe khoắn mênh mông cùng con người Tây Nguyên bất khuất, kiên cường trong tác phẩm Rừng xà nu. Rừng xà nu là bản hùng ca về cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên đồng thời cũng là bài ca hùng tráng ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong chiến đấu.

Mở bài Rừng xà nu- Mẫu 5

Chiến tranh ác liệt qua đi không chỉ để lại những đau thương, mất mát mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những áng sử thi văn học cất cánh. Không chỉ có những tác phẩm viết về đồng bằng mà còn cả vùng đất Tây Nguyên, cũng rất thành công. Để rồi mỗi khi nhắc lại vẫn như còn vẹn nguyên cảm xúc của ngày hôm qua. Có thể nói Rừng xà nu là tác phẩm hay nhất viết về Tây Nguyên, con người Tây Nguyên thời kháng Mĩ. Câu chuyện được viết trong vòng hai tiếng rưỡi nhưng đó là kết quả của nhiều năm thai nghén, là kết tụ của những tình cảm, niềm cảm phục với những con người luôn hướng đến ánh sáng của cách mạng, sẵn sàng hi sinh vì cách mạng. Vì vậy, những nhân vật trong tác phẩm đều có nguyên mẫu ngoài đời nhưng khi đi vào tác phẩm đã mang ý nghĩa khái quát. Kể cả những cây xà nu, những cánh rừng xà nu đều là hiện thân của một đất nước anh hùng.

kết bài rừng xà nu
Kết bài “Rừng xà nu”

Kết bài truyện ngắn Rừng xà nu

Kết bài Rừng xà nu- Mẫu 1

Truyện ngắn Rừng xà nu là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về người anh hùng dân tộc Tây Nguyên trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tnú là nhân vật tiêu biểu nhất cho hình tượng người anh hùng cách mạng, ở nhân vật này hội tụ đầy đủ các vẻ đẹp của cộng đồng, mang khuynh hướng sử thi của thời đại bao gồm lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc, sự trung thành với cách mạng, có tấm lòng gắn bó, yêu thương gia đình sâu sắc, một lòng chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng chung của dân tộc, báo nợ nước trả thù nhà. Dù năm tháng đã đi qua, chiến tranh đã kết thúc những cho đến hôm nay tác phẩm Rừng xà nu và nhân vật Tnú vẫn giữ nguyên những giá trị và ấn tượng trong tâm hồn độc giả về một mảnh đất đầy nắng và gió anh hùng.

Kết bài Rừng xà nu- Mẫu 2

Trong truyện ngắn Rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã xây dựng một hình tượng nghệ thuật đặc sắc mang tính biểu tượng – rừng xà nu. Rừng xà nu đã góp phần phản ánh, làm nổi bật lên hình ảnh những con người anh hùng trong cộng đồng làng Xô Man, đó là cụ Mết, là Tnú, Mai, Dít, bé Heng. Họ là những con người đã phải trải qua muôn vàn đau thương, mất mát trước mũi súng hủy diệt của kẻ thù, đó cũng là những con người giàu yêu thương, tuyệt đối trung thành với cách mạng, những mất mát trong quá khứ không làm họ gục ngã mà ngược lại khiến họ càng trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn. Có sẽ tinh thần, sức sống mãnh liệt của Tnú hay con người Tây Nguyên cũng tựa như sức sống không gì có thể hủy diệt nổi của rừng xà nu, cạnh một cây mới ngã xuống là bốn, năm cây con mọc lên, và dù trong bóng tối của khổ đau họ vẫn mang một niềm tin mãnh liệt về tương lai tươi sáng như những cây xà nu “phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng”.

Kết bài Rừng xà nu- Mẫu 3

Từ hình ảnh đồi xà nu đến rừng xà nu thể hiện một sức sống bất tử kỳ diệu của cây rừng Tây Nguyên, thông qua đó nhà văn Nguyễn Trung Thành đã gợi tả cái sức sống mãnh liệt, bất tử của cong người Tây Nguyên nói chung và con người Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đằng đẵng 30 năm trời của nhân dân ta. Ở trong tác phẩm cây xà nu được miêu tả với giọng điệu trang trọng hào hùng và ngợi ca, nhà văn đã cho chúng ta một phân cảnh đẹp, một phân cảnh vô cùng hào hùng để mở đầu cho một tác phẩm mang đậm tính sử thi với những nhân vật mang vẻ đẹp của thời đại.

Kết bài Rừng xà nu- Mẫu 4

Bằng bút pháp sử thi, với những hình ảnh đặc tả giàu khả năng gợi cảm, tác giả Nguyễn Trung Thành đã xây dựng nhân vật Tnú thành hình tượng tiêu biểu cho con người Tây Nguyên dũng cảm, kiên cường trong thời đại chống Mĩ cứu nước. Hình ảnh đôi bàn tay Tnú được nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm như một biểu tượng đầy ý nghĩa về cuộc đời đau thương, mất mát, hờn căm; là chứng tích tội ác của kẻ thù, thể hiện tính chất khốc liệt của cuộc chiến tranh giải phóng và vẻ đẹp của chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng. Hình ảnh đôi bàn tay Tnú tượng trưng cho sức sống mãnh liệt không bạo lực nào có thể tiêu diệt được của con người Tây Nguyên. Hai bàn tay Tnú đã trở thành một chi tiết nghệ thuật đặc biệt có giá trị thẩm mĩ và ý nghĩa khái quát lớn lao, sâu sắc

Kết bài Rừng xà nu- Mẫu 5

Sự khát vọng hòa bình, sự bình yên cho cả nước, những ước mong mà người dân luôn khao khát từng ngày, bằng tình yêu bao la của mình đối với Tây Nguyên, câu văn miêu tác giả dùng những tả qua hình ảnh cây xà nu, làm tăng thêm giá trị nghệ thuật, sự kiên cường của từng con người Xô Man, và sự quan sát một cách tinh tế, Nguyễn Trung Thành đã khiến cho người đọc cảm nhận được sự mất mát và đau thương mà người dân nơi đây phải chịu thông qua hình ảnh cây xà nu, có một trái tim đồng cảm và chua xót cho con người Tây Nguyên. Ông thành công khi đặc tả nhân vật vừa thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần cách mạng sục sôi, vừa giúp tác giả truyền tải những chân lý của người đại: trong thời đại bão táp cách mạng, cần dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác. Đó là những chân lý đúng đắn ta đã ra rút trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trên đây là 10 mẫu mở bài, kết bài Rừng xà nuHocThatGioi gửi đến các bạn. Mong bài viết này sẽ giúp ích trong quá trình học tập của các bạn. Nếu thấy hay hãy tiếp tục đồng hành cùng HocThatGioi trong các bài viết kế tiếp nhé. Chúc các bạn học tốt!

Bài viết khác liên quan đến Lớp 12 – Ngữ Văn – Rừng xà nu
Back to top button
Close