Ngữ Văn 12

Top 5 mẫu phân tích hình tượng rừng xà nu cực chi tiết

Hình tượng cây xà nu chính là biểu tượng của mảnh đất và con người Tây Nguyên trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Trong bài viết này HocThatGioi sẽ chia sẻ tới các bạn bài mẫu phân tích hình tượng rừng xà nu hay và chi tiết sẽ giúp các bạn nắm rõ nội dung và ý nghĩa của tác phẩm. Mời các bạn cùng theo dõi!

Bài phân tích hình tượng rừng xà nu- Mẫu 1

Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là tác phẩm mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đặc biệt chỉ với hình tượng cây xà nu nhà văn đã gợi lên vẻ đẹp không chỉ của riêng vùng đất Tây Nguyên, mà còn thổi hồn vào hình tượng ấy nét đẹp hào hùng mà cũng đầy đau thương của cả một cộng đồng.

Hình tượng cây xà nu là một trong những hình tượng trung tâm và xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đầy dụng ý khi cả mở đầu và kết thúc tác phẩm hình ảnh cây xà nu đều xuất hiện, tạo nên một kết cấu đầu cuối tương ứng, biến hình tượng xà nu trở thành một cấu tứ nghệ thuật hoàn hảo.

Trước hết, rừng là nu là hình tượng cho người dân làng Xô Man trong đau thương: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương, có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão, từ miệng vết thương ấy ứa ra thứ nhựa tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh; bầm lại quyện đen thành những cục máu lớn”. Đó không chỉ là những đau thương, mất mát của rừng xà nu mà cũng là biểu trưng cho thân phận đau thương của người dân làng Xô Man khi làng nằm trong tầm bắn của địch, luôn luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Nhưng chính khu rừng xà nu hùng vĩ, lấp lánh ấy đã trở thành người hùng cùng đồng hành, gắn bó và che chở, bảo vệ những người dân nơi đây. Để ý có thể thấy, cây xà nu bị thương đã được nhà văn miêu tả bằng ngôn ngữ đậm chất thơ, và thấm trong từng mạch tả là niềm tự hào, xúc động cũng như sự gắn bó của tác giả với mảnh đất Tây Nguyên. Nguyễn Trung Thành dường như đã mang cả chất kiêu hùng trong ngòi bút rất riêng của mình để khắc họa về hình tượng rừng xà xà nu. Vì thê cây xà nu cũng đẹp, cũng trở nên lớn lao và mang đậm tính biểu tượng hơn nhờ sự hi sinh và nỗi đau mà nó phải chịu đựng, để từ đó hình tượng về những người dân làng Xô Man vất vả đau thương nhưng vẫn luôn quật cường, hiên ngang, một lòng hướng về cách mạng.

Xà nu trong vất vả đau thương mang vẻ đẹp cao cả, hùng vĩ, nhưng hình tượng xà nu với nét đẹp riêng của loài cây này cũng là biểu trưng cho nét đẹp tâm hồn của cộng đồng người Tây Nguyên. Xà nu là một loài cây khao khát ánh sáng đến lạ kỳ: “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng”. Đưa vẻ đẹp này của xà nu lên trang viết, Nguyễn Trung Thành như đang một lần nữa khẳng định vẻ đẹp của xà nu hay cũng chính là nét tâm hồn người dân Tây Nguyên đằm sâu ở trong đó, mảnh đất với những con người luôn tha thiết với  tình yêu của sự  tự do và mang trong mình sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Mỗi một dân tộc, một cộng đồng người ở từng vùng miền đều tồn tại thẳm sâu trong họ những nét đẹp tâm hồn riêng, để làm nguồn gợi thơ gợi tứ cho biết bao ngòi bút. Với Nguyễn Trung Thành, người dân Tây Nguyên là những người mà thiên nhiên rộng lớn nơi đại ngàn đã đằm vào tâm hồn họ tình yêu tự do, yêu sự sống và yêu cả những khoảng trời cao lớn mà xiềng xích gông cùm không thể kiềm tỏa được. Thêm nữa, xà nu còn có khả năng sinh sôi mãnh liệt:  Đó là biểu tượng cho sự tiếp nối liên tục và mạnh mẽ của người dân làng Xô Man, thế hệ này ngã xuống, thế hệ sau sẽ tiếp nối sứ mệnh thiêng liêng mà thế hệ trước đã trao truyền, gửi gắm.

Cứ như thể, thế hệ trước và thế hệ sau nối tiếp nhau, để cùng gồng gánh chặng đường cách mạng. Và chăng, Nguyễn Trung Thành nhìn thấy trong thế hệ ấy, hàng ngàn hàng vạn, lớp lớp những thế hệ người Việt đã hi sinh đầy bất khuất kiên cường như vậy. Đó cũng là biểu hiện sâu sắc cho lòng kiên trung tinh thần đại đoàn kết trước sau như một để đánh đuổi kẻ thù của dân tộc ta. Mượn hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã diễn tả một cách sống động vẻ đẹp hào hùng ấy của biết bao nhiêu thế hệ đã hy sinh, đã ngã xuống vì dân tộc, đồng thời làm cho hình ảnh rừng xà nu bỗng mang trong nó linh hồn lớn lao hơn, bởi nó là sự gửi gắm điệu hồn của hàng nghìn thế hệ. Tiếp tục những dòng miêu tả đầy chất thơ mà cũng đậm chất hùng của Nguyễn Trung Thành, hình tượng xà nu hiện lên mang đậm tính chất biểu tượng,mang đậm vẻ đẹp sử thi lãng mạn: “Có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng”.

Đó phải chăng cũng là câu chuyện ta nhìn thấy trong sự hi sinh của người dân làng Xô Man vì sự nghiệp chung của cả dân tộc.  Hình ảnh bất diệt của cây xà nu khiến ta lập tức nghĩa đến Tnú – đại diện tiêu biểu cho lớp anh hùng của làng Xô Man, anh chịu biết bao đau đớn thương tật nhưng anh vẫn sống vẫn hoạt động cách mạng một cách hăng hái, nhiệt tình, những chiêu trò hiểm độc của quân địch tàn bạo không uy hiếp được anh, không thể nào làm nguôi ngoai tinh thần cách mạng đang bùng lên như ngọn lửa rực cháy trong anh, cái chết với Tnu không là gì, anh đặt sự nghiệp chung, sự hi sinh cho cả cộng đồng cao hơn mạng sống và an nguy của chính mình. Tnú quả thực là hình tượng đẹp, hùng vĩ cho cánh chim đại ngàn của mảnh đất Tây Nguyên. Tnú vì thế, chính là hình tượng đại diện cho vẻ đẹp của cả cộng đồng người dân làng Xô man. Ngay cả khi ranh giới giữa cái chết và sự sống quá đỗi mong manh, ngay cả khi trong gang tấc hiểm nguy, tinh thần và ý chí quật cường, bất khuất vẫn là nét đẹp khắc tạc trong tâm hồn từng người con mảnh đất này.  Dù khó khăn, dù gian nan, họ vẫn hướng về tương lai, vẫn khao khát sự sống, sự tự do bằng cả tâm hồn rộng lớn của mình.

Hình ảnh rừng xà xu là hình ảnh xuyên suốt của trong tác phẩm, vì nó không chỉ gắn bó với người dân làng xô man trong đau thương, mà còn  đi vào đời sống sinh hoạt, gắn với hoạt động của người dân làng Xô Man. và vì thế nó mang theo hơi thở của sự sống Tây Nguyên. Cây xà nu bên cạnh Tnú và Mai học con chữ, lửa xà nu đã cháy trên mười đầu ngón tay Tnú, cụ Mết cũng được ví như bóng cây xà nu vĩ đại, và cả khi Tnu quay trở về từ đơn vị, cũng gắn bó với hình ảnh cây xà nu. Vậy nên cây xà nu không chỉ là loài cây của núi rừng, mà còn là linh hồn của mảnh đất anh hùng này, là người bạn thân thiết và khăng khít với người dân làng Xô man.

Bằng tình yêu tha thiết cháy bỏng với mảnh đất và con người nơi đây, cùng lối hành văn bay bổng lãng mạn mang khuynh hướng sử thi, hình tượng xà nu quả thực là hình tượng lưu lại sâu sắc dấu ấn phong cách của Nguyễn Trung Thành.

Top 5 mẫu phân tích hình tượng rừng xà nu cực chi tiết 2

Bài phân tích hình tượng rừng xà nu- mẫu 2

Tây Nguyên – mảnh đất hùng vĩ và thơ mộng, với những con người nồng hậu yêu thương mà kiên cường bất khuất, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân nghệ sĩ. Mỗi người đều tìm thấy ở mảnh đất này một biểu tượng đẹp cho tâm hồn cất cánh, ngòi bút thăng hoa. Ngọc Anh có Bóng cây Kơnia như nỗi lòng thổn thức thiết tha của tình yêu thủy chung son sắt, Thu Bồn có Bài ca chim Chơ-rao, ngân vang khúc hát trong trẻo nồng đượm tình người chiến thắng… Còn Nguyễn Trung Thành lại đem đến cho ta hình tượng những Rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời như sức sống bền và bất diệt của nhân dân Tây Nguyên trong công cuộc chống Mĩ cứu nước.

Đọc Rừng xà nu, không chỉ những nhân vật như cụ Mết, Tnú, Dít, Mai tạo nên ấn tượng sâu sắc trong chúng ta, mà còn là cây xà nu – một hình đặc sắc bao trùm toàn bộ thiên truyện ngắn này. Cả một câu chuyện dài, đau thương, bất khuất như một bản anh hùng ca về cuộc đời Tnú, cuộc đời dân làng Xô Man được kể trên nền chính của hình tượng cây xà nu. Cây xà nu, rừng xà nu như những con người, những tâm hồn, vừa là nhân chứng, vừa tham gia vào bản anh hùng ca, cũng vừa chịu đựng mọi gian nan, vất vả, đau thương do tội ác của kẻ thù, nhưng bất chấp tất cả, rừng xà nu vẫn vươn mình cường tráng, vẫn tồn tại bất chấp mọi đau thương: nó tượng trưng cho khát vọng tự do, khát vọng giai phóng, cho phẩm chất anh hùng và sức sống mãnh liệt của dân làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguvên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Vẻ đẹp của cây xà nu từ hiện thực khách quan đến hiện thực chủ quan và đi vào cảm giác đầy độc đáo với mùi thơm ngào ngạt, ánh sáng lung linh.  Với người Tây Nguyên, cây xà nu có một vị trí quan trọng, sống trên mảnh đất quê hương hùng vĩ, mọc thành từng đồi, từng rừng và tạo nên màu xanh bất tận, dựng lên không gian bát ngát cho núi rừng đại ngàn. Chính vì lẽ đó mà ở cả mở đầu và kết thúc, nhà văn đều dụng công đưa hình ảnh cây xà nu nối tiếp để tạo điệp khúc xanh bất tận làm nền cho câu chuyện đậm bản sắc Tây Nguyên. Với bút pháp tượng trưng, hình ảnh cây xà nu lại là biểu tượng cho số phận và phẩm chất của người dân Tây Nguyên. Nói về số phận của người dân làng Xô Man, mở đầu tác phẩm Nguyễn Trung Thành viết “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương” ấy là một cảnh tượng ám ảnh về một rừng cây tan hoang bởi đại bác của quân thù, trầy trợt đầy những thương tích. Đến gần hơn, hình ảnh tang thương của cây xà nu càng thêm rõ ràng, “Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”, từ miệng vết thương ấy ứa ra thứ nhựa “tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh”, “bầm lại quyện đen thành những cục máu lớn”, như vậy đối với tác giả xà nu cũng giống như một con người cũng có máu thịt, cây cũng bị thương, nhựa cây chảy ra được ví là máu huyết của sinh thể, những hòn máu đọng đem lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc về loài cây anh hùng, bất khuất. Nhưng đấy là những cây may mắn, kiên cường còn có thể lành miệng và tiếp tục sinh dưỡng, xấu số hơn có những cây con mới đến ngang tầm ngực người, đã bị đại bác nã phải gãy làm đôi “nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết”.

Không chỉ là biểu tượng cho số phận của con người Tây Nguyên, cây xà nu còn là biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp của người dân nơi đây. Xà nu là một loài cây khao khát ánh sáng đến lạ kỳ “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng”, đó cũng chính là biểu tượng cho tình yêu tự do, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người Tây Nguyên. Thêm nữa, xà nu còn có khả năng sinh sôi mãnh liệt “cạnh một cây mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên , ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên trời”. Đó là biểu tượng cho sự tiếp nối liên tục và mạnh mẽ của người dân làng Xô Man

Hình ảnh bất diệt của cây xà nu khiến ta lập tức nghĩa đến Tnú tiêu biểu cho lớp anh hùng của làng Xô Man, anh chịu biết bao đau đớn thương tật nhưng anh vẫn sống vẫn hoạt động cách mạng một cách sôi nổi, giặc không bắt được anh, không giết được anh, người anh hùng của vùng đất Tây nguyên. Trong sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh thì sự sống vẫn vươn lên và chiến thắng cái chết, sức sống mãnh liệt, bất tử của rừng xà nu đã đại diện cho tinh thần bất khuất, kiên cường của người dân Tây Nguyên trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Rừng xà nu là hình tượng nghệ thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Hình tượng cây xà nu với bút pháp lãng mạn, gợi và tả đã hiện lên chân thực, vừa khái quát, vừa cụ thể tạo nên màu sắc sử thi rất đậm nét cho thiên truyện.

Bài phân tích hình tượng rừng xà nu- Mẫu 3

Nguyễn Trung Thành là nhà văn có duyên nợ gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. Qua hai cuộc kháng chiến cùng vào sinh ra tử với những người dân nơi đây đã cung cấp cho Nguyễn Trung Thành một vốn hiểu biết vô cùng sâu rộng về mảnh đất âm vang rộn tiếng cồng chiêng trong mùa lễ hội, nơi có những người con trung dũng, kiên cường. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Trung Thành – bút danh Nguyên Ngọc nổi tiếng cùng “Đất nước đứng lên”; thì trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là những năm 1965 khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam đang diễn ra gay go ác liệt thì Nguyễn Trung Thành cho ra mắt người đọc truyện ngắn “Rừng xà nu”. Tác phẩm này đã là một bản hùng ca, ca ngợi cuộc sống và con người Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh vĩ đại. Và nổi bật hơn cả trong tác phẩm chính là hình tượng cây xà nu.

Tác phẩm Rừng xà nu có hai cốt truyện đan cài vào nhau. Đó là chuyện kể về Tnú – người anh hùng dân tộc và cuộc chiến đấu không khuất phục của dân làng Xôman trước sự tàn bạo của đế quốc Mĩ. Nổi bật trong truyện ngắn là hình ảnh cây xà nu được nhắc đến như một điệp khúc và khai thác ở nhiều góc độ.

Cây xà nu là một hình tượng nhân vật trung tâm trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Xuyên suốt trong tác phẩm ta bắt gặp những cánh rừng xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời. Cây xà nu là một loài cây quen thuộc, có mặt trong cuộc sống hàng ngày của người dân Tây Nguyên. H ình tượng rừng xà nu đem đến cho ta nhiều liên tưởng sâu sắc về thế trận chiến tranh nhân dân, về người người lớp lớp, về biểu tượng “một rừng cây, một rừng người”, về sự hi sinh và đóng góp xương máu cùa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến. Chính vì thế mà trong lúc gặp lại Tnú, cụ Mết đã hào hùng khẳng định với tất cả niềm kiêu hãnh và thách thức: “Mày có đi qua chỗ rưng xà nu gần con nước lớn không?” Nó vẫn sống đấy, không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!”. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, cũng như bao cánh rừng khác của Việt Nam, rừng xà nu đã bị tàn phá rất dữ dội, có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình đổ ào ào như một trận bão. Tuy vậy, bất chấp mọi sự tàn phá huỷ diệt của chiến tranh, cây xà nu vẫn vươn lên với một sức sống mãnh liệt. Tư thế vươn lên mạnh mẽ ấy của cây xà nu như để thách thức với bom đạn của chiến tranh “đố chúng nó giết được cây xà nu đất ta”. Sức sống mãnh liệt đã giúp những cánh rừng xà nu vươn lên trong một màu xanh, hiện lên hiên ngang, kiêu dũng như một tráng sĩ “cứ thế hai ba năm sau, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng Xô man”.

Bằng nghệ thuật so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, Nguyễn Trung Thành đã dựng lên thật thành công và rõ nét, ấn tượng về hình tượng cây xà nu. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Trung Thành còn đặt hình tượng cây xà nu vào trong quan hệ đối chiếu sóng đôi với con người mảnh đất Tây Nguyên. Nếu cây xà nu là một loại cây ham ánh sáng và khí trời, thì người dân Tây Nguyên yêu tự do, tin vào Đảng, đi theo bước chân cách mạng như muôn cây vẫn hướng vào ánh sáng mặt trời. Nếu cây xà nu bị tàn phá, huỷ diệt bởi đạn bom, khói lửa thì những người dân Tây Nguyên phải chịu bao đau thương mất mát do chính kẻ thù gây ra. Bao nhiêu người bị giặc giết chết như những cây xà nu bị chặt đứt ngang nửa thân mình, bao nhiêu người còn sống mà phải mang trong mình bao nỗi thương đau. Bằng cách miêu tả hình ảnh cây và người trong quan hệ sóng đôi như thế, Nguyễn Trung Thành đã khắc sâu tội ác dã man của kẻ thù để qua đó tác giả giúp ta hình dung rõ hơn những thảm cảnh dân ta phải chịu do bọn giặc gây ra. Cũng giống như những cánh rừng quê hương, như những con người Việt Nam vẫn ý thức được rằng:

“Gươm nào chia được dòng Bến Hải
Lửa nào thiêu được dãy Trường Sơn
Căm hờn lại giục căm hờn
Máu kêu trả máu đầu van trả đầu”

Các thế hệ nhân dân Tây Nguyên đã thay nhau tiếp nối đứng lên. Đó là tất cả vẻ đẹp hình tượng cây xà nu. Để đạt được thành công trong tác phẩm này, tác giả đã kết hợp rất nhiều nghệ thuật. Nghệ thuật miêu tả kết hợp với so sánh, đối chiếu cùng với giọng văn vô cùng biểu cảm với những cụm từ được lặp đi lặp lại gây cảm tưởng đoạn văn giống như một đoạn thơ trữ tình.

Nguyễn Trung Thành đã miêu tả một cách xuất sắc và thành công về hình tượng cây xà nu. Cây xà nu đã trở thành linh hồn của tác phẩm, là hiện thân cho tinh thần chiến đấu bất khuất của người dân Tây Nguyên. Nhà văn đã thổi hồn cho loài cây ấy trường tồn mãi mãi, không bao giờ khuất phục trước mưa bom bão đạn, khiến kẻ thù phải nghiêng mình kính nể. Chắc chắn dù mười năm hay ngàn năm sau đi nữa loài cây mang tên xà nu ấy còn tồn tại mãi mãi trong trái tim độc giả.

Bài phân tích hình tượng rừng xà nu- Mẫu 4

Nguyên Ngọc- Nguyễn Trung Thành được biết tới là người viết nhiều và hay nhất về mảnh đất Tây Nguyên với một loạt những tác phẩm truyện ngắn xuất sắc. Một trong số đó có một câu chuyện thuộc đề tài Tây Nguyên đó là Rừng xà nu – câu chuyện về chân lí cách mạng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với hình tượng rừng xà nu đã trở thành biểu tượng.

Gần 20 lần, nhà văn nói đến rừng xà nu, đồi xà nu, cây xà nu, cành xà nu, ngọn và lá xà nu, nhựa xà nu, khói và lửa đuốc xà nu,… mỗi lẩn xuất hiện, cây xà nu mang một dáng vẻ kì lạ, tất cả đều mang ý nghĩa tượng trưng cho khí phách anh hùng và sức sổng mãnh liệt của dân làng Xô Man, của núi rừng Tây Nguyên kiên cường bất khuất! Tất cả mọi hoạt động dù lớn dù nhỏ của người dân Tây Nguyên đều có sự góp mặt của cây xà nu. Sự sống của dân làng Xô Man đều gắn liền với những cánh rừng xà nu.

Khi Nguyễn Trung Thành viết : “Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc, chúng nó bắn đã thành lệ, ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và xẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác của đồn giặc đều rơi vào những ngọn đồi xà nu, cạnh con nước lớn”, nhà văn đã phản ảnh không khí căng thẳng của thời đại, gợi lên sự đối mặt quyết liệt giữa sự sống và cái chết. Nổi bật trên nền bối cảnh ấy, Nguyễn Trung Thành đã đi sâu miêu tả những đặc điểm nổi bật của câu xà nu. Cũng như bao loài cây khác, cây xà nu là một loài cây ham ánh sáng và khí trời “trong rừng ít có loài cây nào sinh sôi nảy nở khoẻ đến vậy… ít có loài cây nào ham ánh sáng đến thế” cũng có nghĩa là ham sống, khao khát muốn được vươn lên giữa bầu trời cao rộng.

Cây xà nu luôn có mặt trong thực tế đời sống. Ngọn lửa xà nu mỗi ngày vẫn cháy lên trong từng căn bếp nhỏ, khói xà nu le luốc trên từng gương mặt trẻ thơ. Người dân Xôman sống dưới tán rợp của xà nu và khi về với đất mẹ họ cũng trở lại với bóng mát dưới chân đồi xà nu. Nó hiện lên dưới nhiều góc độ, khi thì trong hoài niệm, khi hiện ra trước mất, lúc là thân là ngọn, khi là nhựa là lửa, có lúc là đồi, là rừng. Rừng xà nu là nơi chuẩn bị vũ khí để chờ đợi tới khi vùng lên quật khởi. Ngọn lửa xà xu như những ngọn đuốc thắp sáng lòng căm thù để rồi hừng hực cháy trong lòng mọi người và đem đến tín hiệu của giờ đồng khởi. Bếp lửa xà nu sáng rực ấm áp là nơi cả dân làng quây quần lắng nghe từng lời cụ Mết.

Không chỉ vậy, cây xà nu vẫn luôn ứng chiếu với con người Tây Nguyên rất tương ứng, hài hòa. Người dân xôman mang nặng nỗi đau thương với xà nu. Qua hình ảnh rừng xà nu bị tàn phá, người đọc như sống lại những trang sử đau thương của người dân xôman và chính đau thương ấy đã trở thành sức mạnh quật khởi của dân làng. Xà nu là biểu tượng của sự sống và niềm tin tự do. Mỗi cây xà nu vươn mình, xanh rờn là mỗi cây ham sống và vươn ra tìm tự do. Nó là khát vọng vươn lên và lòng trung thành của người dân Xôman. Dù sống trong tầm đại bác của giặc, những cánh rừng vẫn trải dài một màu xanh. Người dân Xôman cũng vậy. Họ có sự kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự tàn bạo, độc ác và cả nhẫn tâm của kẻ thù không thể tiêu diệt tinh thần kiên cường, bất khuất của dân làng, kẻ thù càng tàn bạo thì sức mạnh đoàn kết đứng lên càng mạnh mẽ. Cuối cùng, rừng xà nu biểu tượng cho  những thế hệ người dân Xôman. Rừng xà nu có ba lứa cây: cây cổ thụ, cây trưởng thành và cây non. Chúng luôn có sự kế tục và là biểu tượng cho dân làng Xôman. Bom đạn không thể quật ngã những cây cổ thụ cũng như bom đạn không ngăn cản tinh thần Cụ Mết- luôn vững chắc bám trụ trên mảnh đất quê hương, bao nhiêu thử thách là bấy nhiêu gan dạ và trở thành chỗ dựa cho cả dân làng. Mỗi cây trưởng thành là soi chiếu của lớp thanh niên đang căng tràn nhựa sống, sẵn sàng đứng dậy và đấu tranh như Tnú, Mai, Dít. Đau thương vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ý chí bền bỉ quật cường. Đó là sức mạnh không ngưng trưởng thành, ngày một lớn mạnh, được nuôi dưỡng, ấp ủ bởi tinh thần kiên cường để tạo nên sức mạnh toàn dân mang màu sắc sử thi.

Câu chuyện về một Tây Nguyên xa xôi trong nỗi ám ảnh của Nguyễn Trung Thành đã dần ta đến một thế giới của một mảnh đất tuy đau thương mà ngát thơm căng trào sự sống. Hình tượng xà nu vừa mang được cái man dại mãnh liệt của vẻ đẹp thiên nhiên vừa mang nét linh diệu, ấm áp hào hùng của hơi thở cuộc đời. Vẻ đẹp tác phẩm được kết tụ trong những ánh sắc núi rừng hấp dẫn và thăng hoa trong ý nghĩa biểu tượng rất chân thực, rất cao đẹp.

Bài phân tích hình tượng rừng xà nu- Mẫu 5

Tây Nguyên là mảnh đất của văn hóa cồng chiềng và những pho sử thi đồ sộ. Chính mảnh đất này đã thổi hồn vào những trang viết của Nguyễn Trung Thành và để lại nhiều dấu ấn qua “Rừng Xà Nu”, “Đất nước đứng lên”… Truyện ngắn “Rừng xà nu” ra đời vào mùa hè 1965 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đến hồi ác liệt. Tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi hình tượng cây xà nu- tiêu biểu cho thiên nhiên và con người Tây Nguyên kiêu hùng, bất khuất.

Đọc Rừng xà nu, không chỉ những nhân vật như cụ Mết, Tnú, Dít, Mai tạo nên ấn tượng sâu sắc trong chúng ta, mà còn là cây xà nu – một hình đặc sắc bao trùm toàn bộ thiên truyện ngắn này. Chính hình tượng cây xà nu tạo nên vẻ đẹp hùng tráng, chất sử thi lãng mạng cho câu chuyện về làng Xô Man bất khuất, kiên cường. Đó là hình tượng hàm chứa nhiều ý nghĩa tượng trưng. Qua hình tượng này, người đọc có thể thấy rõ sức sống kiên cường, sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên nói riêng, của con người Việt nói chung trong những ngày đánh Mĩ. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trung Thành lại miêu tả thật cụ thể, thật chi tiết rừng xà nu bằng một thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, bằng những “lời có cánh” với một cảm xúc say mê mãnh liệt như đã thấy trong tác phẩm. Gần hai mươi lần nhà văn đã viết về xà nu, dường như cây xà nu tham dự vào tất cả những sinh hoạt, những tâm tình, những buồn vui của con người Tây Nguyên trong cuộc chiến đấu anh dũng của họ. Hình tượng xà nu bao trùm ẩn hiện trong tác phẩm, nó như sự âm ỉ mà bừng sống mãnh liệt của dân làng Xô Man. Xà nu dũng mãnh chở che sự sống dân làng, xà nu quấn quyện nồng nàn với những tâm hồn thơ trẻ mặt mày lem luốc khói xà nu, xà nu dẫn đường chỉ lối đi tìm cách mạng, làm cách mạng…

Mỗi con người Xô Man là một mảnh hồn riêng khắc lạc nên vẻ đẹp kiêu dũng xà nu, Con người Xô Man cũng lớn dậy cùng sức sống bất diệt của thiên nhiên hoang dại. Rừng Xà Nu hiện ra với ba lứa cây chính: lứa những cây già, lứa những cây trẻ và lứa những cây non. Chúng lại hiện ra với những cảnh ngộ và thân phận tương ứng với con người: có những cây bị phạt ngang thân mình, có những cây mình đầy thương tích, nhưng không bom đạn nào có thể làm cho nó gục ngã, lại có những cây non mới mọc ra nhưng đã đâm lên khỏi mặt đất nhọn hoắt như những mũi lê. Nguyễn Trung Thanh đã bao quát được những đau thương, mất mát mà rừng xà nu phải oằn mình gánh chịu. Đó không chỉ dừng lại ở nỗi đau riêng lẻ, cá thể mà đó là nỗi đau của cả tập thể, cộng đồng. Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh vào hình ảnh: “Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Bằng hình ảnh hết sức chân thực, cụ thể, tác giả đã biến rừng xà nu thành những sinh thể sống. Chúng phải gánh chịu nỗi đau đớn như con người. Chỉ bằng những chi tiết ít ỏi mà đắt giá tác giả đã làm cho nỗi đau, những mất mát mà rừng xà nu phải gánh chịu được thể hiện rõ ràng cả trên bề mặt và bề sâu. Dường như không chỉ con người mà thiên nhiên Tây Nguyên của phải gồng mình để chống trọi lại bom đạn chiến tranh.

Cây xà nu là hình tượng mang đậm chất lý tưởng, tiêu biểu cho phẩm chất, số phận của người dân Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu trong tác phẩm mang đậm chất sử thi, tính hào hùng, nó làm rõ chủ đề tư tưởng của truyện ngắn “Rừng xà nu”. Để xây dựng một hình tượng xà nu như thế, Nguyễn Trung Thành đã sử dụng những câu văn miêu tả, những từ ngữ, hình ảnh chọn lọc đặc sắc, cùng nghệ thuật so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, giọng văn miêu tả trong tác phẩm rất linh hoạt.
Giọng điệu sử thi của “Rừng xà nu” bắt đầu từ câu chuyện kể của cụ Mết dưới ánh lửa xà nu, một câu chuyện phảng phất phong vị anh hùng ca. Và cây xà nu không chỉ gắn với quá khứ, hiện tại anh hùng mà còn gắn bó với mọi sinh hoạt, phong tục và đời sống văn hóa của người Xô-man, của các dân tộc Tây Nguyên.

Hình tượng cây xà nu thật sự là một sáng tạo nghệ thuật đáng kể của Nguyễn Trung Thành. Nhà văn đã lựa chọn hình ảnh cây xà nu và đem lại cho nó những ý nghĩa mới những lớp ý nghĩa rất khác nhau qua cách viết vừa gợi vừa tả của tác giả. Qua hình tượng này người đọc không chỉ thấy rõ sức sống kiên cường, mãnh liệt của dân làng Xô-man, của con người Tây Nguyên nói riêng mà còn là của dân tộc Việt Nam nói chung trong những tháng năm chống Mĩ.

Bài viết trên HocThatGioi đã chia sẻ với các bạn bài mẫu phân tích hình tượng rừng xà nu, mong là sẽ giúp được các bạn trong quá trình học tập của mình. Hãy đồng hành cùng HocThatGioi trong các bài viết tiếp theo để tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé. Chúc các bạn học thật tốt!

Bài viết khác liên quan đến Lớp 12 – Ngữ Văn – Rừng xà nu
Back to top button
Close