Ngữ Văn 12

Top 12 mẫu kết bài Vợ nhặt của Kim Lân hay nhất

Nhắc đến nhà văn Kim Lân thì không thể không nhắc đến tác phẩm Vợ nhặt – tác phẩm miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 và thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kỳ diệu của họ. Bài viết hôm nay HocThatGioi sẽ giới thiệu đến các bạn Top 12 mẫu kết bài Vợ nhặt của Kim Lân hay nhất để các bạn tham khảo nhé! Khám phá ngay thôi.

Top 12 mẫu kết bài Vợ nhặt của Kim Lân hay nhất
Top 12 mẫu kết bài Vợ nhặt của Kim Lân hay nhất

Kết bài Vợ nhặt mẫu 1

Nhân vật không tên riêng trong một truyện ngắn hiện đại khiến ta liên tưởng tới việc kế thừa truyện cổ tích trong văn học dân gian của tác giả Vợ nhặt. Điều này cần thiết phải có một sự chứng minh tỉ mỉ. Nhưng không phải là không có lí khi ai đó đã nói rằng có người vợ nhặt, anh cu Tràng đã nhặt được vàng. Và cũng như một nhân vật cổ tích, người đàn bà vô danh ấy đã mang đến cho gia đình Tràng biết bao điều lạ lẫm.

Kết bài Vợ nhặt mẫu 2

Xây dựng một kết thúc mở cùng với lối kể truyện độc đáo, lời văn giản dị, chân thành, mộc mạc nhưng rất có sức gợi hình, Kim Lân đã rất tài tình trong việc phản ánh chân thực nạn đói của xã hội Việt Nam những năm 1945. Số phận của người lao động bị rẻ rúng, thấp hèn, bị cái nghèo đói bủa vây cùng vô số những chính sách hà khắc của chế độ thực dân. Qua đó ông cũng thể hiện giá trị nhân đạo đó là ngợi ca khát vọng sống, trân trọng và gieo vào lòng người đọc một niềm tin thay đổi hoàn cảnh. Đồng thời tố cáo xã hội đen tối, tố cáo những chính sách khiến người dân càng lâm vào cảnh lầm than.

Kết bài Vợ nhặt mẫu 3

Kim Lân không miêu tả kĩ hiện thực tàn khốc lúc bấy giờ mà chú trọng đến việc thể hiện vẻ đẹp tinh thần ẩn giấu trong cái bề ngoài xác xơ vì đói khát của những người nghèo khổ. Viết truyện này, tác giả bày tỏ thiện cảm sâu sắc đối với họ. Ông khẳng định sự đói khát, không tiêu diệt được bản tính tốt đẹp của con người, hiện thực tăm tối không giết chết nổi niềm tin vào cuộc sống. Trong hoàn cảnh cơ cực, đọa đày, họ vẫn nhen nhóm niềm tin, vẫn hi vọng vào sự đổi đời và một tương lai tốt đẹp. Truyện gây ấn tượng mạnh với người đọc bởi tính chất nhân văn cao cả, bởi ngôn ngữ mộc mạc, sinh động và giàu sức gợi tả. Tấm lòng của tác giả gửi gắm trong truyện đáng quý biết chừng nào!

Kết bài Vợ nhặt mẫu 4

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân là một truyện ngắn hay và đặc sắc, từ việc phản ánh hiện thực xã hội thông qua nạn đói khủng khiếp năm 1944-1945, tác giả đã bộc lộ những tư tưởng, giá trị nhân đạo sâu sắc. Ca ngợi, đề cao vẻ đẹp, khát vọng sống còn của con người, cùng những niềm tin, hy vọng của họ vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời cũng bộc lộ niềm trân trọng, quý mến những thứ tình cảm giữa con người với con người như tình thân, tình yêu, tình đồng loại,… thứ không bao giờ bị dập tắt bởi sự khắc nghiệt của cuộc đời, thứ đã tiếp thêm cho con người sức mạnh để tiến về phía trước.

Kết bài Vợ nhặt mẫu 5

Bà đã chấp nhận người “vợ nhặt” của con trai. Tình huống khiến người đọc nhớ mãi, hình ảnh khiến người đọc khi nhắc đến tác phẩm này đều không quên là hình ảnh “nồi cháo cám” trong buổi bữa cơm đón dâu đầu tiên. Hình ảnh “nồi cháo cám” là hiện thân của cái đói nghèo đến cùng cực trong một gia đình “không còn gì giá trị nữa”. Bà cụ Tứ hôm nay thay đổi tâm trạng, toàn nói những chuyện vui trong nhà, vì bà muốn mang lại không khí vui tươi hơn giữa cái nghèo. Hình ảnh “nồi cháo cám” hiện lên bình dị, đầy chua xót và nước mắt của người mẹ nghèo. Ai cũng muốn có một bữa cơm đón dâu có mâm cao, cỗ đầy trong ngày rước dâu nhưng gia cảnh nghèo nàn, “nồi cháo cám” là thứ duy nhất đong đầy yêu thương bà có thể mang lại cho con.

=> Xem thêm Top 15 mẫu mở bài Vợ nhặt gián tiếp hay nhất

Kết bài Vợ nhặt mẫu 6

Truyện ngắn Vợ nhặt được chấp bút trong bối cảnh tăm tối, ám ảnh khủng khiếp của nạn đói, thế nhưng cái mà nhà văn Kim Lân hướng đến không phải phản ánh hiện thực thê thảm của con người mà trong bóng tối của nạn đói nhà văn phát hiện ra ánh sáng đẹp đẽ, cảm động của tình người. Trong nạn đói, khi cái chết vây hãm, trực chờ rút sạch đi sự sống thì những nạn nhân khốn khổ của nạn đói vẫn mạnh mẽ vươn lên bằng niềm tin, bằng sức mạnh tình thương. Bà cụ Tứ và Tràng là những người dân đói khổ sống ở xóm Ngụ cư, thế nhưng vào chính thời điểm mà nạn đói hoành hành dữ dội nhất, khi mà con người đứng trên ranh giới vô cùng mỏng manh giữa sự sống và cái chết vẫn sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ người vợ nhặt, cũng chính tình thương ấy đã đánh thức phần thiện lương, dịu dàng và khát khao yêu thương bên trong người vợ nhặt.

Kết bài Vợ nhặt mẫu 7

Truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân thực sự đã để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc bởi việc xây dựng được 1 tình huống truyện hợp lý, chan chứa tình đời, tình người. Nhắc nhớ tới “Vợ nhặt” xin được mạn phép sử dụng những dòng văn của nhà văn Nguyễn Khải để thay lời kết cho bài viết này. Có lẽ, đây cũng chính là những gì mà bản thân Kim Lân thật sự muốn trải lòng: “Trên đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới đó.”

Kết bài Vợ nhặt mẫu 8

Bằng sự tinh tế trong cảm nhận, chân thực trong miêu tả cùng sự am hiểu sâu sắc đối với đời sống tinh thần của những người nông dân nghèo, nhà văn Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt không chỉ tái hiện thành công, sinh động không khí ngột ngạt, u tối của nạn đói năm 1945 mà trên cái phông nền ảm đạm, thảm thương đó nhà văn làm nổi bật lên vẻ đẹp của sự sống, của tình thương bên trong con người. Qua truyện ngắn nhà văn Kim Lân cũng cho độc giả thấy được vẻ đẹp và sức mạnh đích thực của tình thương: nạn đói có thể hủy diệt con người ta về sự sống thể xác nhưng tuyệt nhiên không thể làm mất đi tình yêu thương, cũng chẳng thể hủy diệt nổi sức sống tinh thần và niềm tin của con người.

Kết bài Vợ nhặt mẫu 9

Qua truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã thể hiện được tài năng nghệ thuật độc đáo của mình, thông qua xây dựng tình huống mang tính éo le, thử thách nhà văn đã để nhân vật của mình tự bộc lộ những tính cách, phẩm chất đáng quý, mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc hơn về những người nông dân nghèo khổ trong nạn đói xưa. Từ câu chuyện nhặt vợ “lạ đời” mà cũng đầy xót xa của anh Tràng, Kim Lân đã thể hiện thái độ trân trọng đối với những phẩm chất tốt đẹp cùng sức sống mạnh mẽ bên trong họ. Bởi vậy mà đọc Vợ nhặt chúng ta không chỉ xót xa cho thực trạng đói nghèo, mất mát của những người nông dân nghèo trong nạn đói mà còn cảm động trước những tình cảm tốt đẹp mà họ giành cho nhau trong những lúc khốn cùng ấy.

Kết bài Vợ nhặt mẫu 10

Qua truyện ngắn, nhà văn Kim Lân đã khẳng định rằng cuộc sống có bi thảm đến đâu thì niềm tin của nhân dân vẫn là bất diệt, con người luôn có một khát vọng, một bản lĩnh mãnh liệt để được sống như một con người, được nên người. Nếu ai ngờ vực niềm tin ấy, nếu có cho rằng cuộc đời độc ác, đắng cay không dành một chỗ nào cho niềm hy vọng thiện lương thì Kim Lân có thể mượn câu thơ của L.Aragông đáp lời:

                       “Các anh có thể tin hay không điều tôi nói

                          Tôi đã khổ đau, nên có đủ quyền…”

Kết bài Vợ nhặt mẫu 11

Truyện ngắn Vợ nhặt không chỉ đặc sắc bởi tình huống truyện độc đáo mà còn ấn tượng bởi vốn liếng ngôn ngữ giàu có và đặc sắc của Kim Lân, lối viết văn đầy giản dị ánh lên chất hào hoa Kinh Bắc mà còn ghi dấu bởi tư tưởng nhân đạo sâu sắc của nhà văn. Đó là cách nhìn đời, nhìn người đầy xa xót và thương yêu, ông phát hiện, khằng định và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người. Đặt con người vào khoảng sống mờ tối, lắt lay ông đã tìm ra cơ hội để biểu hiện sức sống bất diệt, nỗi khát thèm được  sống, được thương yêu và hy vọng. Niềm ước ao hạnh phúc không thể diệt trừ cái đói nhưng nó mang động lực cho con người dần bước qua ngưỡng cửa của cái đói. Đây chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm và cũng là tình cảm từ trái tim đặt lên ngòi bút của nhà văn.

Kết bài Vợ nhặt mẫu 12

Người vợ nhặt đã có sự thay đổi lớn vào sáng hôm sau. Thị “hiền hậu đúng mực”, thị cùng bà cụ Tứ dọn dẹp lại nhà cửa và sửa soạn bữa cơm đầu tiên đánh dấu cuộc đời làm dâu của mình. Dù món chè khoán có đắng chát thì thị “vẫn điềm nhiên đưa vào miệng” mà không một lời than vãn. Thị chấp nhận cuộc sống nghèo khổ ấy. Niềm tin vào cuộc sống đã khiến thị theo không anh cu Tràng về làm vợ. Nhờ có anh cu Tràng và bà cụ Tứ mà cuộc đời thị được cứu giúp. Qua tác phẩm “Vợ nhặt”, Kim Lân đã thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm bộc lộ niềm thương cảm, xót xa đối với cuộc sống con người, đồng thời cũng lên án tội ác diệt chủng của thực dân Pháp khiến hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng HocThatGioi trong bài viết Top 12 mẫu kết bài Vợ nhặt của Kim Lân hay nhất. Hãy cùng theo dõi các bài viết tiếp theo của HocThatGioi để tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé. Chúc các bạn học thật tốt!

Bài viết khác liên quan đến Lớp 12 – Ngữ Văn – Vợ nhặt
Back to top button
Close