Ngữ Văn 12

Hướng dẫn soạn bài thơ Sóng đầy đủ nhất- Giáo án ôn tập

Sóng là một trong những bài thơ trọng tâm của các tác phẩm văn học lớp 12, bài thơ cũng có khả năng xuất hiện trong các đề thi THPT quốc gia. Chính vì thế trong bài viết này HocThatGioi sẽ giúp các bạn ôn tập lại cũng như giúp các bạn trả lời các câu hỏi thường gặp trong tác phẩm. Hãy cùng theo dõi nhé!

I. Bài thơ Sóng

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

II. Các kiến thức cần nắm trong bài thơ Sóng

* Tác giả

  • Thông tin về tác giả
  • Hoàn cảnh sáng tác
  • Phong cách nghệ thuật

*Tác phẩm

  • Nắm được những nét đặc sắc về nghệ thuật kết cấu, xây dựng hình ảnh, nhịp điệu và ngôn từ của bài thơ.
  • Cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn và niềm khát khao của người phụ nữ về một tình yêu thuỷ chung, bất diệt.
  • Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng “Sóng”

III. Các câu hỏi thường gặp trong bài thơ Sóng

  1. Giới thiệu vài nét về nhà thơ Xuân Quỳnh, đặc điểm hồn thơ của bà? Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Sóng? Nêu chủ đề của bài thơ?

* Vài nét về Xuân Quỳnh

  • Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc của Việt Nam, được mệnh danh là nữ hoàng thơ tình yêu của Việt Nam
  • Thơ bà là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên vừa chân thành, đằm thắm, luôn da diết khát vọng về hạnh phúc đời thường
  • Đặc điểm hồn thơ: tiếng nói của người phụ nữ giàu yêu thương, khao khát hạnh phúc đời thường, bình dị; nhiều âu lo, day dứt, trăn trở trong tình yêu.

*Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Sóng

  • Bài thơ được sáng tác trong chuyến đi thực tế vùng biển Diêm Điền năm 1967
  • Sóng được in trong tập Hoa dọc chiến bào

* Chủ đề:

  • Mượn hình tượng sóng để diễn tả tình yêu của người phụ nữ. Sóng là ẩn dụ cho tâm hồn người phụ nữ đang yêu.
bài thơ sóng

2. Quan niệm gì về tình yêu của nhà thơ Xuân Quỳnh trong 2 khổ thơ đầu ?

  • Tình yêu tha thiết, chân thành không chịu chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp, đơn điệu, một chiều mà nó phải là sự hoà hợp, sự đan xen của nhiều yếu tố, thậm chí là những yếu tố đối cực nhau: vừa mâu thuẫn, vừa thống nhất, vừa xung đột, vừa hài hoà.
  • Tình yêu của con người, luôn khao khát vươn tới sự lớn lao đích thực.
  • Khẳng định một điều có tính quy luật về sự tồn tại bất diệt của khát vọng tình yêu trong trái tim người con gái
  • Yêu là tự nhận thức, là vươn tới cái cao rộng, lớn lao…
  • Tình yêu mãi là khát vọng muôn đời của con người, nhất là đối với tuổi trẻ.

3. Nỗi nhớ trong tình yêu được diễn tả như thế nào ( Hai khổ 3, 4 )?

  • Nghĩ về sóng và cội nguồn tình yêu lứa đôi.
  • Điệp từ: “em nghĩ” và câu hỏi: “Từ nơi nào sóng lên”
  • Quay về lòng mình, nhu cầu tìm hiểu, phân tích, khám phá tình yêu
  • Khổ 4: Đi tìm câu hỏi tu từ cho câu hỏi ở khổ 3:

Câu hỏi tu từ: “Gió bắt đầu từ đâu?…/Khi nào ta yêu nhau?”

  • Xuân Quỳnh dựa vào quy luật tự nhiên để truy tìm khởi nguồn của tình yêu nhưng nguồn gốc của sóng cũng như tình yêu đều bất ngờ, đầy bí ẩn, không thể lí giải.

4. Các biện pháp tu từ gì được sử dụng để tác giả thể hiện nỗi nhớ trong khổ 5,6,7?

  • Vẫn bắt đầu cảm xúc và suy nghĩ từ hình tượng sóng để nói về em.
  • Tình yêu bao giờ cũng được thử thách trong sự xa cách trong không gian và trong thời gian. Và nỗi nhớ thương, trăn trở, khao khát được gặp gỡ là phẩm chất đặc biêt thường trực của tình yêu.
  • Cái hay của khổ thơ là lại liên hệ đến sóng, nhân hoá sóng: con sóng nào cũng thao thức vỗ mãi suốt đêm ngày vì nhớ bờ không nguôi, không ngủ.
  • Còn nỗi nhớ của em còn hơn thế: cả trong mơ còn thức.
  • Nỗi nhớ thường trực, không khi nào chịu yên. Cách nói nhấn mạnh đến cái phi lí trong tâm lí mà có lí trong tình em: nhớ cả trong mơ, càng trong mơ càng dậy lên nỗi nhớ.
  • Nhớ và hướng về anh, thuỷ chung như nhất với anh. Phẩm chất tình cảm này của em được diễn tả bằng cách nói tưởng chừng phi lí: xuôi bắc, ngược nam và cái phương anh đã chứng minh tấm lòng son sắt của trái tim cô gái đang yêu thời hiên đại..
  • Sóng nào chẳng cố hướng vào bờ để tìm sự ngơi nghỉ, dừng chân? cũng như tình em chỉ hướng về anh, chỉ nghĩ về anh, không biết mêt mỏi, không nghĩ về mình, đầy sự chia sẻ, hi sinh.

5. Trong 2 khổ thơ 8,9 những lo âu, trăn trở dẫn đến khát khao gì ở Xuân Quỳnh?

  • Từ những suy nghĩ về tình yêu, hi sinh, và chung thuỷ suốt đời, nhà thơ mở rộng hơn, nghĩ về mối quan hê giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa cuộc đời mỗi người, tình yêu mỗi lứa đôi và cuộc đời chung, và thiên nhiên vũ trụ và thời gian vô cùng.
  • Câu hỏi day dứt thể hiên khao khát tình yêu cao cả và bất tử và tìm cách thực hiên chính là mong muốn được tan ra, được hoá thân và hoà nhâp thành trăm ngàn con sóng nhỏ giữa biển lớn tình yêu của nhân dân và nhân loại.

6. Ý nghĩa của bài thơ Sóng

Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu hiện lên qua hình tượng sóng: tình yêu thiết tha, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son chung thủy, vượt lên mọi giới hạn của đời người.

7. Nghệ thuật bài thơ Sóng

*Sóng là sự tìm tòi sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Xuân Quỳnh.

  • Xây dựng hình tượng ẩn dụ, giọng thơ tha thiết.
  • Âm hưởng nhịp nhàng dào dạt, gợi ra những nhịp sóng dồn dập và liên tiếp. Lúc sôi nổi, lúc sâu lắng.
  • Thể thơ năm chữ, cách ngắt nhịp linh hoạt, gieo vần độc đáo, giàu sức liên tưởng tạo nên nhịp điệu của sóng biển dào dạt, sôi nổi, lúc sâu lắng, dịu êm chạy suốt bài thơ.
  • Tâm trạng: hồn nhiên, chân thành
  • Hình tượng sóng được miêu tả trở đi trở lại mà không lặp, diễn tả được tâm hồn người phụ nữ.

III.Tổng kết bài thơ Sóng

  • Qua hình tượng ″Sóng″ nhà thơ nêu lên khát vọng về một tình yêu sâu sắc, nồng nàn, thủy chung và bất diệt, gắn với hạnh phúc đời thường. Qua đó, chúng ta cảm nhận được sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi hết bài viết giáo án ôn tập của HocThatGioi. Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích trong quá trình học tập của các bạn. Hãy đồng hành cùng HocThatGioi trong các bài viết tiếp theo để tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé. Chúc các bạn học thật tốt!

Bài viết khác liên quan đến Lớp 12 – Ngữ Văn – Sóng
Back to top button
Close