Top 10 mở bài, kết bài cảm nhận bài thơ Sóng cực hay
Xin chào các bạn, dưới đây là 10 mẫu mở bài và kết bài bài thơ Sóng được HocThatGioi tuyển chọn và biên soạn với nội dung ngắn gọn, chi tiết, hay nhất cùng nhau tham khảo để có thêm nhiều gợi ý viết mở bài, kết bài ngắn gọn, bao quát được vấn đề để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người chấm. Hãy theo dõi đến cuối bài viết nhé!
I. Mở bài cảm nhận bài thơ Sóng
Mở bài cảm nhận bài thơ Sóng- Mẫu 1
Nếu như Xuân Diệu đã từng thổn thức vì tình yêu, dâng hiến trọn đời cho tình yêu, chạy đua với thời gian để được yêu thì Xuân Quỳnh cũng thế, cũng từng thấp thỏm, lo âu, đau khổ vì yêu. Nhưng dù sao đi nữa, là phận nữ nhi nên người rất ít tỏ ra táo bạo, quá mạnh dạn như Xuân Diệu. Đọc thơ Xuân Quỳnh, ta thường bắt gặp hình ảnh con sóng, chiếc thuyền nói hộ tình yêu…Cũng vì lẽ ấy, suy cho cùng đây chỉ là những chất liệu dung dị, bình thường nhất trong cuộc sống, song lại chứa đựng biết bao nhiêu ẩn ý, biết bao ẩn tình mà Xuân Quỳnh muốn bày tỏ. Chúng ta hãy đến với Sóng của Xuân Quỳnh để thưởng thức từng vị thương, vị nhớ của một người phụ nữ đáng yêu.
Mở bài cảm nhận bài thơ Sóng- Mẫu 2
“Mai xa rồi, ta mãi nhớ, biển ơi
Từ sâu thẳm lòng ta với biển
Có quá khứ ngọt ngào cay đắng
Có tình yêu dữ dội, dịu êm.”
Không biết từ bao giờ những con sóng ào ạt từ sông, từ biển đã tròn lăn chạm vào trái tim của người nghệ sĩ. Nếu Nguyễn Khuyến thổi vào gợn sóng biếc hơi thở của một mùa thu trong veo, Huy Cận vẽ sóng Tràng Giang bằng những dòng thơ hiu hắt của một kẻ sĩ bất lực trước thời cuộc thì nữ sĩ Xuân Quỳnh đã khoác lên những con sóng bạc đầu tấm áo tình yêu nồng nàn, vĩnh cửu bằng một hồn thơ đắm say, cháy bỏng. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang nước sôi lửa bỏng, vẻ đẹp dịu dàng, chung thủy trong tình yêu của người con gái được Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ “Sóng” ngời sáng như một hòn ngọc báu của văn chương.
Mở bài cảm nhận bài thơ Sóng- Mẫu 3
“Sóng rì rào hỏi những chuyện đã qua
Đứng trước biển em trở thành bé nhỏ
Biển biết không… ngàn nỗi đau giằng xé
Khi con thuyền chẳng cập bến tình yêu”
Chẳng biết tự bao giờ những con sóng từ biển khơi lại vỗ dồn dập vào trái tim của mỗi người nghệ sĩ. Và cũng chẳng biết tự khi nào giữa con sóng và tình yêu lại có mối quan hệ mật thiết với nhau! Chắc có lẽ là do nét đẹp tiềm tàng của con sóng giống với vẻ đẹp bí ẩn của tình yêu nên đã làm cho các nhà văn nhà thơ phải bâng khuâng trong tư tưởng. Trong đó có Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh là một ” nữ hoàng thơ tình” trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ của bà là tiếng nói tấm lòng của một người phụ nữ trong tình yêu: hồn nhiên, chân thành nhưng cũng giàu trắc ẩn và luôn khát khao một hạnh phúc bình dị đời thường. Và bài thơ “Sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ, bày tỏ quan điểm của tác giả về tình yêu vĩnh hằng qua hình tượng con sóng biển.
Mở bài cảm nhận bài thơ Sóng- Mẫu 4
Từ ngàn xưa đến nay, tình yêu là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Nhiều người nghệ sĩ đã dùng bút lực của mình để lí giải tình yêu nhưng chẳng ai cắt nghĩa trọn vẹn hai mĩ từ ấy. Nhà thơ cổ điển Pháp từng nói: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Đến Xuân Diệu cũng bất lực trong câu hỏi “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”, Hàn Mạc Tử cũng phải “nghe trời giải nghĩa yêu”. Nhắc đến thi ca viết về tình yêu, ta không thể không nhắc đến “Sóng” của Xuân Quỳnh. “Sóng” là nơi gửi gắm những tâm tư sâu kín, những trạng thái phức tạp tinh vi của tâm hồn người thiếu nữ khi nói về tình yêu với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người.
Mở bài cảm nhận bài thơ Sóng- Mẫu 5
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu.”
( Tự hát- Xuân Quỳnh )
Trong thơ Việt Nam hiện đại, Xuân Quỳnh được coi là nhà thơ nữ viết hay nhất về tình yêu. Đặc sắc của thơ tình Xuân Quỳnh là tiếng nói trực tiếp, chân thành và mãnh liệt bày tỏ những khát vọng tình yêu của trái tim phụ nữ. Cùng với bài thơ Thuyền và Biển, bài thơ Sóng được coi là “ hai bài thơ tình thuộc loại hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và thơ hiện đại Việt Nam nói chung. Trong bài thơ có một hình tượng nghệ thuật xuyên suốt, tạo nên hình hài của tác phẩm. Hình tượng đó là sóng. Nhưng sóng cũng chính là trái tim “ Dữ dội và dịu êm” của Xuân Quỳnh. Vẻ đẹp của bài thơ hiện lên từ những phát hiện mới lạ của tác giả ở hình tượng sóng. Cùng với sóng, hình em tạo thành cặp sóng đôi, gắn bó, quấn quýt suốt bài thơ. Trên cơ sở đó, nhà thơ bộc lộ mọi cung bậc tình cảm của mình về tình yêu.
II. Kết bài cảm nhận bài thơ Sóng
Kết bài cảm nhận bài thơ Sóng- Mẫu 1
Đọc thơ của Xuân Quỳnh thích lắm, thích vì cái hồn nhiên, yêu đời, thích vì cái mong ước về tình yêu lứa đôi thật dung dị, nhưng tràn đầy cảm hứng lãng mạn, bay bổng. Dù trong độ tuổi nào, nhưng ta có thể thấy rằng thơ Xuân Quỳnh viết về tình yêu vẫn vậy, vẫn tràn ngập hy vọng đẹp đẽ, thể hiện cái tôi của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu, cuộc sống. Nỗi khao khát yêu và được yêu lúc nào cũng mãnh liệt, trực chờ tuôn trào mạnh mẽ. Thơ của bà cũng ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, thủy chung, son sắt, một lòng một dạ, hy sinh vì tình yêu. Tác giả sử dụng tài tình hình ảnh con sóng để nói thay cho tâm trạng người phụ nữ khi yêu, một hình ảnh vừa giản dị, dễ hình dung lại mang tính biểu tượng cao, đem lại cho bài thơ hiệu quả nghệ thuật và mạch cảm xúc dạt dào, việc thể hiện tâm tư của Xuân Quỳnh được trọn vẹn. Sóng – Bài thơ cho tình yêu của phụ nữ.
“Giữa cuộc đời em chỉ nhìn có anh
Cái nhìn đầu đã đượm màu thắm thiết
Bởi chút duyên ẩn từ trong sâu thẳm
Hay anh giống điều gần gũi trong em.”
Kết bài cảm nhận bài thơ Sóng- Mẫu 2
Kết cấu song hành “‘sóng” và “em” soi chiếu, sóng đôi, song hành lúc phân tách, lúc quyện hòa. Tất cả đã góp phần thể hiện khát vọng tình yêu sôi nổi, chân thành, mãnh liệt, thủy chung của người phụ nữ. Bài thơ đã giúp chúng ta hiểu được về tình cảm và hồn thơ của Xuân Quỳnh. Dù sống trong hoàn cảnh nào tiếng thơ của Xuân Quỳnh vẫn hồn nhiên tươi tắn với những khát vọng hạnh phúc đời thường. Đúng như lời chị viết:
“Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm vui sướng với em là có thật
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim chẳng đập vì anh”
Kết bài cảm nhận bài thơ Sóng- Mẫu 3
Tình yêu vẫn luôn luôn là đề tài hấp dẫn với mọi lứa tuổi để mọi người đi tìm lời giải đáp cho ẩn số tình yêu trong một hành trình tìm kiếm không mệt mỏi. Sống là được yêu, yêu là sống hết mình với cuộc đời vốn rất nhiều yêu thương này. Đọc xong bài thơ ta cũng cảm nhận rõ được Xuân Quỳnh luôn mang trong mình một khao khát được yêu, khao khát về hạnh phúc, sau khi đã gặp bao nhiêu trắc trở về tình cảm trong đời mình Xuân Quỳnh vẫn muốn được yêu tiếp tục và bà vẫn đặt trọn niềm tin của mình vào thứ tình cảm ấy.
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.”
Kết bài cảm nhận bài thơ Sóng- Mẫu 4
Với hình tượng “sóng” giàu sức biểu cảm và trên cơ sở khám phá sự tương đồng “sóng” và “em”, Xuân Quỳnh đã diễn tả một cách chân thực và đầy đủ nhất tình yêu của một người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách, bão giông của cuộc đời và sự hữu hạn của đời người để sống trọn vẹn trong tình yêu. Bài thơ với đầy đủ sắc thái tâm trạng của người đang yêu: nỗi khát khao niềm đam mê bất tận nỗi nhớ nhung cùng sự sôi nổi và suy tư lắng đọng…rồi cả ước mơ, Xuân Quỳnh đã diễn tả thật tinh tế và tài hoa trong bài thơ “Sóng”. Sau này, ta sẽ còn bắt gặt một Xuân Quỳnh tha thiết, một Xuân Quỳnh nồng nàn, một Xuân Quỳnh nhân hậu trong nhiều bài thơ tình nữa, nhưng rõ ràng, ở bài “Sóng”, Xuân Quỳnh đã bộc lộ khá đầy đủ phong cách thơ của mình. Giữa những năm chiến tranh đầy máu lửa, thơ tình Xuân Quỳnh đã làm người ta tin vào sự sống, tin vào con người hơn nữa. Thơ tình Xuân Quỳnh mang lại khoảng bình yên cho tâm hồn người đọc, mang lại tình yêu cho đôi lứa đang yêu…
Kết bài cảm nhận bài thơ Sóng- Mẫu 5
“Khi ta còn trẻ, thơ là người mẹ
Ta lớn lên rồi thơ là người yêu
Chăm sóc tuổi già, thơ là con gái
Lúc chết đi rồi, kỉ niệm hóa lưu thơ”
Đất nước đang trong cuộc kháng chiến diễn ra quyết liệt, khi đất nước nhuốm màu đau thương, những nơi diễn ra các cuộc chia tay thấm màu đỏ. Bài thơ chính là ra đời trong hoàn cảnh như vậy, càng đọc ta càng cảm nhận được nỗi khát khao trong tình yêu của con người nói chung và người con gái nói riêng. Ngoài ra qua bài thơ ta càng thấy ngưỡng mộ những người con gái luôn chung thủy trong tình yêu, luôn sống hết mình với cảm xúc của bản thân. Có thể nói Xuân Quỳnh là một nhà tiên phong, người thổi một hồn thơ mới vào văn học của nước nhà.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết Top 10 mẫu mở bài, kết bài Sóng hay nhất của HocThatGioi. Mong rằng bài viết này sẽ giúp cho các bạn trong quá trình học tập của mình, hãy đồng hành cùng HocThatGioi trong các bài viết tiếp theo để tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích nhé. Chúc các bạn học thật tốt!
Bài viết khác liên quan đến Lớp 12 – Ngữ Văn – Sóng
- Top 5 mở bài bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh hay nhất
- Dàn ý phân tích bài thơ Sóng Xuân Quỳnh ngắn gọn, đầy đủ nhất
- 5 bài văn mẫu phân tích 4 khổ thơ đầu bài thơ Sóng hay nhất
- Top 4 mẫu phân tích khổ 5,6,7 bài Sóng hay nhất- Dàn ý chi tiết
- Top 15 kết bài bài thơ Sóng- Xuân Quỳnh hay, chọn lọc
- Soạn bài thơ Sóng- Xuân Quỳnh ngắn gọn, đầy đủ nhất
- 5 mẫu sơ đồ tư duy bài thơ Sóng- Xuân Quỳnh cực dễ
- Top 5 bài phân tích bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh hay nhất
- Bài mẫu phân tích hình tượng Sóng cực hay – Dàn ý chi tiết
- Hướng dẫn soạn bài thơ Sóng đầy đủ nhất- Giáo án ôn tập